Giáo dục
Tất bật lo năm học mới
ĐNĐT - Những ngày này, không khí mua sắm nhộn nhịp thể hiện rõ trong các nhà sách khi năm học mới bắt đầu. Dù thời gian ba tháng hè rất dài, song vì nhiều lý do, không ít phụ huynh, học sinh chờ đến cận ngày đến trường mới lo đủ đồ dùng học tập, gây nên tình cảnh phải chạy ngược chạy xuôi.
Hiện nhiều nhà sách không còn nguyên bộ sách giáo khoa cho học sinh. |
Chạy tìm sách giáo khoa
Sáng 19-8, chị Lê Thị Thương (công nhân một công ty điện tử tại KCN Hòa Khánh) vừa chở con đến trường vừa tạt qua nhà sách Nhân Dân trên đường Nguyễn Lương Bằng để mua bộ sách giáo khoa lớp 2. Tại đây, nhân viên cửa hàng cho biết đã hết sách và chỉ đến một nhà sách khác cách đó vài trăm mét, nhưng ở đó cũng đã hết sách. Ngặt nỗi, thời điểm này các cháu phải đưa sách vở đến lớp để cô giáo kiểm tra trước ngày khai giảng.
“Năm trước, khi con vào lớp 1 cả nhà lo từ trước hè, nhưng năm nay cứ chủ quan chờ cháu nhập học rồi mua cũng chưa muộn. Ai ngờ, từ sáng tới giờ đi 4 chỗ rồi mà chỗ nào cũng kêu hết sách nên đành phải xin nghỉ một buổi làm để tìm mua thôi”, chị Thương than thở.
Có mặt tại một số lớp tiểu học của các trường Ngô Sĩ Liên, Âu Cơ, Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu), chúng tôi thấy rất nhiều phụ huynh đang lo lắng vì chưa mua được sách cho con.
Một chị có con đang học lớp 4 Trường tiểu học Ngô Sĩ Liên nói: “Mấy nhà sách ở gần trường đều thông báo “hết sách” nên nhiều người sốt sắng chạy tìm mua mấy nơi nhưng vẫn chưa mua được, hoặc mua không được đủ bộ. Hỏi người bán có nhập thêm về bán nữa không thì họ trả lời lưỡng lự là chưa biết nữa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng “cháy” sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nhà sách tư nhân ở các quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang khiến nhiều phụ huynh phải “đi lùng” hết hơi.
Nhân viên nhà sách Khai Trí, trên đường Điện Biên Phủ cho hay, hiện các đầu sách giáo khoa thiếu ở hầu khắp các bậc học, từ tiểu học đến trung học phổ thông. Ngay cả những nhà sách lớn của thành phố cũng rơi vào tình trạng thiếu.
Chị Oanh, nhân viên bán hàng nhà sách Nhân Tâm (đường Tôn Đức Thắng) lý giải: “Những năm gần đây, số lượng các đầu sách do các công ty in và phát hành cho các đại lý tại Đà Nẵng khá dồi dào nên không có chuyện thiếu sách giáo khoa. Nguyên nhân thiếu sách trong năm nay có thể là do các cửa hàng đã bán với số lượng lớn vào dịp hè, nay cận ngày nhập học không nhập thêm”. Trước nhu cầu người mua sách còn tăng nhưng các cửa hàng cũng không lấy nữa vì sợ “tồn hàng”.
Tranh thủ “nhích” giá
Tâm lý mua sắm năm học mới dồn dập cũng đẩy các loại sách và văn phòng phẩm tăng giá thấy rõ, nhất là các cửa hàng nhỏ mặc sức nâng giá. Chúng tôi khảo sát tại chợ Hòa Khánh cho thấy, tháng trước một bộ quần áo, váy bé gái tiểu học may sẵn cùng chất liệu vải chỉ có giá từ 100.000-120.000 đồng/bộ, nhưng sát ngày học sinh tập trung, các nhà may, cửa hàng bán đồng phục đã tăng giá từ 10.000-15.000 đồng/bộ.
So sánh giá các bộ sách giáo khoa các cấp tại nhà sách nhỏ đều tăng trên dưới 10.000 đồng/bộ. Trong một thời điểm, chúng tôi hỏi bộ sách lớp 2 tại nhà sách Khai Trí (đường Điện Biên Phủ) chỉ có 103.000 đồng, nhưng nhà sách Thanh Tâm (đường Trưng Nữ Vương) giá 108.000 đồng, trong khi giá niêm yết tại siêu thị BigC chỉ 90.000 đồng. Đối với các bộ đồ dùng học tập như bút mực tẩy, thước, giấy màu, đất nặn, kéo, màu tô… vì lượng người mua khá lớn nên mỗi loại đều bị đẩy thêm một vài giá. Tâm lý chung của các bậc phụ huynh biết là đắt nhưng vì cận ngày nhập học của con nên đành chấp nhận.
Đối với nhiều bậc phụ huynh vùng nông thôn, năm học mới bắt đầu bao giờ cũng kéo theo nhiều nỗi lo. Tiền sách vở, tiền đồ dùng, tiền quần áo, tiền trường lớp… luôn là gánh nặng cho các gia đình đông con đi học.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Quan Nam 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) tâm sự: Nhà tôi làm nông nên ít dư dả, muốn mua sắm cho ba đứa con đi học cùng lúc thì phải chờ thu hoạch mấy lứa heo, gà... Nhiều khi cũng muốn mua sắm sớm hơn nhưng chưa có khoản nào. Mấy năm trước, tôi cứ mượn tiền quanh hàng xóm rồi trả sau chứ chờ đến ngày khai giảng mới mua thì tội cho mấy đứa nhỏ quá.
Bài và ảnh: Duyên Anh