Giáo dục
Dấu ấn tuổi 40
Từ 300 sinh viên trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) có số lượng sinh viên lên đến 16.000. Lượng sinh viên ra trường hằng năm đủ cung ứng nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đặc biệt là Đà Nẵng.
Hội nghị thường niên lần III về giáo dục ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (VEEC) diễn ra tại Đà Nẵng, do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp tổ chức và chủ trì. |
Điểm đến mơ ước
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng, được thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975). Ngay những ngày đầu thành lập, sứ mạng to lớn của nhà trường là đào tạo lực lượng kỹ sư kịp thời phục vụ công cuộc công nghiệp hóa đất nước. Trường tuyển sinh khóa học đầu tiên với hơn 300 sinh viên hệ chính quy vào các ngành học thuộc các khoa Cơ khí, Điện và Kinh tế. Từ năm 1994, Trường Đại học Bách khoa trở thành thành viên của Đại học Đà Nẵng.
Trải qua 40 năm hình thành và phát triển, Trường Đại học Bách khoa là điểm đến đầy mơ ước của nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh. Điểm tuyển sinh vào trường trong những năm gần đây luôn trong khoảng 18 - 21 điểm/3 môn, mức điểm tuyển sinh cao nhất so với các trường đại học khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
So với ngày đầu mới thành lập, đến nay, số lượng sinh viên của trường lên đến 16.000 sinh viên, từ 3 khoa ban đầu đến nay lên 14 khoa. Bên cạnh đó, trường có các chương trình đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường, như chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt ‐ Pháp (PFIEV), 2 chương trình tiên tiến ngành Điện tử viễn thông và Hệ thống nhúng. Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam được hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp, theo Nghị định thư ký ngày 17-11-1997 giữa Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam và Đại sứ nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1999, đến nay, PFIEV Đà Nẵng đã tuyển sinh 17 khóa. Tổng số sinh viên đang theo học là 262 sinh viên. Tổng số sinh viên đã tốt nghiệp là 294 sinh viên, với các chuyên ngành: Sản xuất tự động (ngành Kỹ thuật cơ khí), Tin học công nghiệp (ngành Kỹ thuật điện), Công nghệ phần mềm (ngành Công nghệ thông tin - CNTT).
Trong khi đó, 2 chương trình đào tạo kỹ sư tiên tiến Việt - Mỹ (CTTT) ngành Điện tử viễn thông và ngành Hệ thống nhúng là dự án quốc gia nhằm xây dựng và phát triển một số ngành đào tạo mạnh, đạt chuẩn khu vực và đẳng cấp quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam.
Một điều dễ nhận thấy là dù học ở chương trình nào, sinh viên Trường Đại học Bách khoa cũng được trang bị kiến thức chuyên môn để trở thành kỹ sư giỏi, cả kỹ năng mềm, kỹ năng tiếng Anh cho thị trường lao động trong và ngoài nước. Những năm gần đây, nhà trường luôn khuyến khích, hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2010 đến nay, sinh viên Trường Đại học Bách khoa đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín, chất lượng như: 7 giải thưởng Honda Yes, 31 giải Tài năng khoa học trẻ, 4 giải Holcim (trong đó có 1 giải nhất) và nhiều giải thưởng khác như giải nhì toàn quốc cuộc thi TI MCU Design Contest 2012 và TI Innovation Challenge: Vietnam Design Contest 2013, giải nhất toàn quốc năm 2015 cuộc thi Go Green in the City…
Bên cạnh đó, sinh viên Bách khoa tham gia hội thi sinh viên giỏi và đạt 1 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 11 giải khuyến khích; tham gia Olympic cơ học toàn quốc đạt 2 giải ba, 8 giải khuyến khích…
Nâng cao chất lượng dạy học
Trường Đại học Bách khoa hiện có 30 giáo sư và phó giáo sư; 129 tiến sĩ, 230 thạc sĩ. Giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm trên 30% tổng số cán bộ giảng dạy - tỷ lệ cao nhất trong toàn Đại học Đà Nẵng. 160 giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước là các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu trình độ cao đã tạo ra lực lượng giảng viên, nghiên cứu viên hùng hậu cho nhà trường. Đây là đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm, chất lượng, giảng dạy hiệu quả…, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giải quyết tối đa nhu cầu học của sinh viên, giải quyết tồn đọng phát sinh từ sự thay đổi chương trình đào tạo…
Để nâng cao trình độ chuyên môn, hằng năm, nhà trường cử các giảng viên đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; bồi dưỡng, tăng cường năng lực nghiên cứu.
Trong nhiều năm qua, nhà trường đã có hệ thống phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thực hành khá hiện đại, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất cho thí nghiệm, thực hành, giúp sinh viên làm quen với điều kiện thực tế, dễ dàng thích ứng với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, để sinh viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhà trường đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, hoạt động này có những tiến bộ vượt bậc, đa dạng với chất lượng và hiệu quả cao. Hiệu quả của hoạt động hợp tác quốc tế hướng đến các hoạt động cụ thể như thực hiện các đề tài nghiên cứu chung: 1 đề tài Nghị định thư với Pháp, 4 đề tài nghiên cứu về môi trường hợp tác với Nhật Bản, 1 đề tài hợp tác với KAISP - Hàn Quốc, 4 đề tài công nghiệp với Shinko Technos (Nhật Bản)...
Nhà trường cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết với doanh nghiệp, một số khoa chủ động tổ chức “Ngày hội với doanh nghiệp” nhằm tạo đầu ra cho lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm.
40 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này giờ đây trở thành lực lượng có trình độ kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, góp phần vào sự phát triển của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước nói chung.
GS, TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng: Thành lập được một ngôi trường đại học kỹ thuật đầu tiên ở khu vực cát trắng, đầy dây kẽm gai sau chiến tranh thực sự là món quà vô giá mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho nhân dân vùng khu 5. Với truyền thống 40 năm đầy tự hào, với tinh thần đoàn kết, trí tuệ của tập thể cán bộ, viên chức, sinh viên Trường Đại học Bách khoa sẽ bước tiếp truyền thống tốt đẹp, lớn mạnh cùng với sự phát triển của đất nước. Bằng các chủ trương, biện pháp phù hợp, cập nhật chương trình đào tạo..., nhà trường sẽ trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ lớn mạnh của miền Trung - Tây Nguyên cũng như của cả nước, đảm nhận sứ mệnh, trọng trách mà đất nước giao phó: đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho đất nước, đủ năng lực, trình độ để đáp ứng việc hội nhập sâu rộng, phục vụ cho sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. |
HÀ THU