Giáo dục
Hấp dẫn từ những bài giảng tích hợp
Vừa hoàn thành xong lý thuyết, chỉ trong thời gian từ 45-60 phút, giáo viên và học sinh cùng cho ra sản phẩm như: cổ áo sơ mi, tay áo... Những bài giảng tích hợp tại Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc vừa qua diễn ra ở Đà Nẵng đã thu hút người dự giảng.
Bài dạy tích hợp “May cổ áo sơ mi chân rời” do cô Nguyễn Thị Minh Nga (Trung tâm giáo dục dạy nghề Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thực hiện. |
Có sản phẩm ngay sau khi kết thúc bài
Trong vòng 60 phút, giảng viên ngành may công nghiệp Nguyễn Thị Minh Nga, đến từ Trung tâm Giáo dục dạy nghề Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thành xuất sắc cả phần lý thuyết và thực hành, cho ra sản phẩm là chiếc cổ áo sơ mi.
Bắt đầu bài học “May cổ áo sơ mi chân rời”, cô giáo Nga cung cấp cho người học những nội dung lý thuyết như: đặc điểm, chi tiết, thông số kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật… Sau khi thuyết trình kỹ phần lý thuyết, cô Nga đã thao tác mẫu và cho học sinh luyện tập cho ra sản phẩm cổ áo sơ mi. Những lỗi kỹ thuật trong quá trình các em thực hiện được cô góp ý, chỉnh sửa ngay tại chỗ để các em có thể may được một cổ áo đẹp nhất.
“Trước đây, cách dạy truyền thống tách biệt hai phần lý thuyết và thực hành thì bây giờ kết hợp cả hai trong một thời gian nhất định. Điều này đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kỹ năng hơn, không chỉ nắm vững lý thuyết mà phải thạo thực hành”, cô Nga cho biết.
Với mỗi bài trình giảng của các giảng viên được lựa chọn từ 3 bài mà họ đề xuất. Điều này sẽ hạn chế tình trạng học tủ nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng. Trong kỳ hội giảng này, các thành viên giám khảo cho điểm độc lập vào phiếu đánh giá và niêm phong.
Theo PGS, TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Trưởng ban tổ chức Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc 2015, chất lượng các bài giảng năm nay có sự vượt trội với sự đầu tư, sáng tạo, đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức giữa phương pháp giảng dạy truyền thống với hiện đại. Hai tiêu chí quan trọng được quan sát, đánh giá kỹ trong mỗi bài giảng là sự trình diễn, biểu diễn kỹ năng nghề điêu luyện đỉnh cao và khả năng sư phạm.
“Năm nay, nhiều bài giảng tạo được ấn tượng mạnh, có sức lôi cuốn, hấp dẫn về mặt chuyên môn và bảo đảm chất lượng. Những giảng viên giỏi là hạt nhân cho các trường nghề, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Sâm nói.
Nâng tỷ lệ giáo viên giảng dạy tích hợp lên tới 60%
Đà Nẵng hiện có 1.660 giáo viên dạy nghề cơ hữu, trong đó giáo viên dạy lý thuyết chiếm 16,2%, giáo viên dạy thực hành 27,4%, giáo viên dạy tích hợp chiếm 56,4%.
“Chất lượng đội ngũ giáo viên chưa bảo đảm yêu cầu về chuẩn trình độ, trong đó chuẩn kỹ năng nghề chỉ đạt 22,93%. Ngoài ra, công tác tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chưa được quan tâm đúng mức là một thực tế hiện nay”, bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng nói. Cũng theo bà Trang, các chính sách tiền lương thu hút, đãi ngộ giáo viên dạy nghề hiện còn nhiều bất cập. Bởi vậy, cần quan tâm chế độ, chính sách đối với họ, để tránh tình trạng thu nhập thấp sẽ chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Nịch, Vụ trưởng Vụ Giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề (thuộc Tổng cục Dạy nghề), cho biết hiện cả nước có gần 40.000 giáo viên trong hệ thống dạy nghề, chỉ có khoảng 41% số này có đủ tiêu chuẩn và khả năng dạy tích hợp.
“Tiêu chuẩn của giáo viên dạy tích hợp phải đủ chuẩn về mặt lý thuyết và tay nghề, cao hơn hẳn so với giáo viên dạy lý thuyết và thực hành ở các trung tâm dạy nghề. Ngoài ra, giảng dạy tích hợp phải đáp ứng những tiêu chí về chương trình, năng lực giáo viên và trang thiết bị phục vụ yêu cầu. Bởi vậy, không phải giáo viên nào cũng có thể dạy tích hợp”, ông Nịch cho biết.
Theo ông Nịch, về lâu dài, cả nước sẽ nâng tỷ lệ giáo viên có thể giảng dạy tích hợp lên tới 60%, nhằm bảo đảm mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động đó nhằm phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, nâng cao và tăng cường đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ