Giáo dục
Người truyền "lửa" CNTT cho sinh viên
Dù kiêm nhiệm nhiều công việc như: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên cao học và nghiên cứu sinh, Trưởng ban Khoa học công nghệ và Giám đốc Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng, nhưng ở cương vị nào thầy Võ Trung Hùng (SN 1968) cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nói về mình, lúc nào thầy cũng giản dị: “Có gì đâu, việc của mình thì mình làm thôi”.
Thầy Võ Trung Hùng có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành CNTT - Đại học Đà Nẵng. |
Hết lòng với đam mê
Năm 1994, thầy Hùng bắt đầu nghiệp giảng dạy khi trở thành một trong 7 giảng viên chính của Trung tâm Tin học thuộc Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (nay là khoa Công nghệ thông tin - CNTT, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng). Thời ấy, CNTT là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam, trang thiết bị công nghệ hạn chế. Khóa đào tạo kỹ sư CNTT đầu tiên khi ấy chỉ vỏn vẹn 29 sinh viên và hầu hết đều chưa được sử dụng máy vi tính nhiều.
Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, thầy Hùng cười bảo: “Khó khăn lớn nhất lúc đó là thiếu cán bộ giảng dạy, thiếu trang thiết bị, ngành học mới nên cả thầy lẫn trò cùng nhau nghiên cứu, khám phá. Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi, đam mê sáng tạo của sinh viên mà chúng tôi được tiếp thêm “lửa” để hoàn thành nhiệm vụ”.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Toán nhưng thầy Hùng lại say mê, yêu thích Tin học. Với thầy Võ Trung Hùng, Toán học như chiếc cầu nối giúp bản thân tiến đến gần hơn “tình yêu lớn” là CNTT. Để rồi thầy học lên thạc sĩ, sau đó trở thành tiến sĩ ở tuổi 36 và được phong phó giáo sư khi mới 39 tuổi.
Trong 6 năm qua, dù bận bịu với nhiều cương vị công tác nhưng thầy Hùng đã thực hiện thành công 4 đề tài nghiên cứu khoa học, công bố 27 bài báo khoa học (trong đó có 7 bài trên tạp chí quốc tế và 11 bài trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế). Đặc biệt, thầy đã công bố một cuốn sách về CNTT bằng tiếng Pháp do NXB Editions Universitaires Européennes xuất bản.
Trong đó, đề tài “Xây dựng kho dữ liệu đa ngữ phục vụ xử lý tiếng Việt” đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước sử dụng, tiếp tục phát triển những nguồn dữ liệu mới không chỉ với 3 ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt, mà còn thêm nhiều ngôn ngữ khác như: Trung, Nhật, Hàn…; đặc biệt là cho tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Chăm, Khmer…
Nghiên cứu tạo ra sản phẩm hữu ích
Đầu tháng 6 vừa qua, Trung tâm Phát triển Phần mềm Đại học Đà Nẵng (SDC) phối hợp với Microsoft Việt Nam và Công ty Asus Việt Nam tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sản phẩm SmartBook. Sản phẩm là một bước đột phá để góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó có sự đóng góp đáng kể của thầy giáo Võ Trung Hùng cùng các cộng sự như: Trịnh Công Duy, Mai Trần Trung Hiếu...
Thầy Hùng cho biết, từ lâu, Đại học Đà Nẵng đã có ý tưởng phát triển một sản phẩm sách thông minh phục vụ trực tiếp cho học sinh, sinh viên, học viên cao học và các đối tượng đang tham gia học tập, giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Đà Nẵng. Sản phẩm sách thông minh đầu tiên UD SmartBook đã chính thức ra mắt vào năm 2012 bao gồm cả phần cứng, hệ điều hành và ứng dụng.
Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ trẻ của Trung tâm đã tiếp tục nghiên cứu, hợp tác phát triển để đến tháng 6-2015, chiếc máy tính bảng SmartBook do các kỹ sư và chuyên gia Trung tâm Phát triển phần mềm nghiên cứu ra đời dựa trên sự hỗ trợ toàn diện về giải pháp phần mềm, các ứng dụng di động từ Tập đoàn Microsoft và thiết bị phần cứng của Công ty Asus Việt Nam.
Sản phẩm SmartBook đã được Microsoft chọn là sản phẩm giáo dục tiêu biểu của Việt Nam và giới thiệu tại sự kiện lãnh đạo Tập đoàn Microsoft toàn cầu đến thăm, làm việc tại Việt Nam vào tháng 3-2015.
Bên cạnh những sản phẩm ứng dụng trực tiếp, thầy Hùng cũng đã có 2 phần mềm đăng ký và được bảo hộ bản quyền bởi Inter Deposit Digital Number của châu Âu về nhận dạng tự động ngôn ngữ - mã hóa trên văn bản (SANDOH) và dịch tự động đa ngữ (TRAWEB). Các phần mềm này đã được ứng dụng trên nhiều hệ thống thông tin trên thế giới.
Bài và ảnh: BÌNH AN