Giáo dục
Môn Sử cần là môn học bắt buộc
Ông Nguyễn Quang Trung Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học Huế, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đại học Khoa học Huế cho rằng, trong giáo dục hiện nay, dù hiện đại đến mấy thì các nước tiên tiến trên thế giới vẫn luôn đưa môn Sử là môn bắt buộc mà tất cả học sinh phổ thông phải trải qua.
Một cuộc hội thảo chưa từng có về môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông đã diễn ra vào ngày 15-11 tại Hà Nội. |
* Thưa ông, là người giảng dạy lịch sử ở bậc đại học lâu năm, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của môn Lịch sử đối với nhận thức của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của đất nước?
- Với tất cả quốc gia trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, môn Sử được xem là trụ cột trong chương trình giáo dục. Đặc biệt là với các nước châu Á như Việt Nam, môn Sử từ xưa đã được xem là trọng tâm của việc giáo dục, thi cử. Người ta thường nói: “Sôi kinh nấu Sử” mà! Trong giáo dục hiện đại, với sự đa dạng của các ngành khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học cơ bản về tự nhiên, xã hội và nhân văn..., môn Sử vẫn là môn học mà rất nhiều quốc gia xem là bắt buộc, vì nó là quốc hồn quốc túy.
Khi người ta nói đến bản sắc văn hóa của dân tộc hay của quốc gia, thì môn Sử thường được xem là môn trụ cột. Vì vậy, trong giáo dục hiện nay, dù hiện đại đến mấy thì các nước tiên tiến trên thế giới vẫn luôn đưa môn Sử là môn bắt buộc mà tất cả học sinh phổ thông phải trải qua.
* Vậy theo ông, việc tích hợp môn Lịch sử ảnh hưởng gì đến vấn đề truyền thụ của giáo viên cũng như việc tiếp nhận kiến thức của học sinh ở bậc phổ thông?
- Ngày 15-11 vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo như một “Hội nghị Diên Hồng” thu nhỏ để lấy ý kiến của những nhà nghiên cứu, những người có học hàm, học vị, những giáo viên dạy Lịch sử ở phổ thông là nên hay không nên tích hợp môn Lịch sử. Tại đây, người ta tranh cãi chuyện tích hợp hay độc lập, nhưng tôi nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác.
Mọi người tranh cãi về một câu chuyện, mà chuyện đó là phần ngọn; còn phần gốc, theo tôi cần phải giải quyết vấn đề này trước, đó lại tại sao hiện nay quá nhiều học sinh không thích học Sử. Chưa trả lời được câu ấy, mà bây giờ tính đến câu chuyện độc lập hay tích hợp, thì không bao giờ chúng ta giải quyết được cái cốt lõi. Bộ GD&ĐT quên mất chuyện cần phải có một cuộc điều tra xã hội học để hiểu tâm tư, nguyện vọng của người học và lý giải vì sao họ không thích học Sử.
Riêng tôi, với góc độ nhà nghiên cứu, đồng thời là người giảng dạy lịch sử bậc đại học đã ba mươi mấy năm, sản phẩm của tôi lấy từ nguồn phổ thông lên để đào tạo chuyên ngành rồi tốt nghiệp cử nhân và sau đại học, tôi thấy họ thường có tâm trạng thế này: Sử mà chúng ta đang học có những vấn đề thực sự khác so với ngày xưa.
Trong chương trình hiện nay, người ta đi theo một tư tưởng chủ đạo rất trái ngược với truyền thống, gọi là “tường kim, lược cổ” (tường tận chi tiết đối với sử hiện đại, giản lược đối với sử cổ). Nhưng theo tôi, môn Lịch sử là một khoa học lấy trục tung của thời gian làm chủ thể, rồi từ trục tung ấy kết hợp với các ngành khoa học khác để phân tích trục hoành vào thời điểm nó cần. Ví dụ, Giáo dục công dân hay Giáo dục quốc phòng thì mỗi chế độ, mỗi thời kỳ có một chính sách, quan điểm khác nhau, nhưng lịch sử thì không thể thay đổi vì nó đã xảy ra và đó là khách quan.
Cho nên, nếu tích hợp 3 môn học đó thành một, thì ta đã đưa một trục tung cấy vào một trục hoành và làm trục tung đó bị gãy trục, như vậy nó sẽ mất cái quốc hồn quốc túy và phi khoa học, bởi vì đó là hai cách nhìn nhận vấn đề hoàn toàn khác nhau: một bên là khoa học cơ bản, đồng thời thiên về những giá trị tinh thần, giá trị quốc gia; còn một bên liên quan đến thời cuộc, chế độ.
Vì vậy, khi ráp nối sẽ có những cái chồng chéo nhau, và đương nhiên người học sẽ càng hoang mang hơn. Cho nên, tôi thấy vấn đề cốt lõi không phải là cãi nhau chuyện tích hợp hay độc lập, mà ở chỗ cần trả lại cho môn Sử tinh thần của nó, cái hồn của nó. Làm thế nào mà ngày xưa, tất cả mọi người đều yêu thích môn Sử? Còn ngày nay thì học sinh chán chường môn Sử! Vậy khi nào giải mã được vấn đề đó, chúng ta mới bàn đến chuyện để môn Sử độc lập hay tích hợp.
* Giả sử Bộ GD&ĐT vẫn quyết định tích hợp môn Lịch sử ở bậc phổ thông, thì theo ông nên tích hợp thế nào cho hợp lý?
- Tôi là người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử ở bậc đại học thuộc hệ đại học tổng hợp, nghiên cứu là chính chứ không phải giảng dạy là chính, nên tôi xin hỏi lại Bộ trưởng và cả Bộ GD&ĐT là trước khi tính đến chuyện soạn chương trình tích hợp, thì ai là người sẽ dạy chương trình tích hợp?
Thật ra, nếu muốn có chương trình tích hợp ở bậc tiểu học và phổ thông, thì việc tích hợp phải nằm ở chương trình đại học sư phạm trước, tức là chúng ta phải đào tạo phần bên trên trước về con người, vì các thầy cô giáo dạy ở bậc phổ thông cũng phải tốt nghiệp đại học đã. Vậy ai dạy cho họ? Một ngành độc lập mà họ dạy còn chưa kham, bây giờ tích hợp thì họ làm sao đủ sức để dạy?
Người dạy Địa, người dạy Văn, hay người dạy Sử..., ai có chuyên ngành của người đấy; bây giờ buộc họ đứng trong cái thế là một thầy giáo đa năng, thì xin thưa rằng sản phẩm của chúng ta sẽ biết rất nhiều, nhưng chỉ biết phơn phớt, và cuối cùng cũng giống như không biết gì! Đây là một thực tế mà hiện nay khi chúng tôi tiếp quản đội ngũ học sinh thi đậu vào đại học, chúng tôi thấy rằng họ được học lịch sử ở phổ thông không phải là ít, nhưng họ gần như quên hết.
Vì sao ư? Bởi vì chúng ta đã đi theo một phương pháp rất sai lầm. Học lịch sử không phải để nhớ, mà là để hiểu. Khoa học Lịch sử là khoa học nghiên cứu để phát hiện những quy luật về sự vận động và phát triển của xã hội, hiểu được quy luật đó để vận dụng cho việc hoạch định chính sách, đường lối trong hiện tại, và định hướng đúng đắn cho sự phát triển tương lai của đất nước; chứ không phải học để nhớ ngày này xảy ra cái gì, ngày kia xảy ra cái gì! Đấy là một sai lầm mà hệ thống sách giáo khoa chúng ta mấy chục năm nay cơ bản đã dẫn học sinh đi nhầm đường, vì vậy người ta dần xa lánh môn Sử.
Chẳng hạn, chỉ cho học sinh thấy một khu rừng, tôi nói cho học sinh biết đặc điểm chung của khu rừng và phân tích khái quát các giống cây, các loài cây có trong rừng; với một bên là tôi đưa học sinh vào rừng rồi đếm từng cây và bắt họ phải nhớ tên từng cây, thì chắc chắn cách học Sử theo kiểu đi tìm cây để đếm sẽ không bao giờ gây được sự hứng thú cho người học.
Tại sao ngày xưa người ta học lịch sử một cách thích thú như vậy? Bởi vì cả một cuộc chiến hay cả một triều đại được người ta khái quát trong một bài học ngắn nên học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Anh hùng dân tộc thời đại nào cũng nhiều, nhưng người ta biết chọn cột cờ.
Vì vậy, thời Lý có mấy anh hùng dân tộc, thời Trần có mấy anh hùng dân tộc... thì học sinh có thể biết. Còn lịch sử thời nay chúng ta bắt học sinh phải học hết, phải nhớ hết, mà anh hùng thì nhiều, sự kiện thì nhiều, đi vào chi tiết như vậy, hỏi làm sao học sinh không chán ghét môn Sử?
Vì vậy, theo tôi, thiết thực nhất là Bộ GD&ĐT cùng những người chịu trách nhiệm về ngành Sử của quốc gia phải nghiêm túc ngồi lại, phải làm một cuộc khảo sát, điều tra xã hội học để lấy ý kiến của đối tượng mà chúng ta đang hướng đến để giáo dục họ, để hiểu đúng vì sao họ chán ghét môn Lịch sử. Từ đó, chúng ta mới đi đến quyết định môn Sử là độc lập hay đưa vào tích hợp, và nên tích hợp ở cấp nào trước.
* Xin cảm ơn ông.
P.V thực hiện