Giáo dục

Thắm đượm nghĩa tình thầy trò

07:57, 06/11/2015 (GMT+7)

Tính đến năm học 2015-2016, Trường THPT Ngô Quyền tròn 40 tuổi. Ngần ấy thời gian trôi qua đã có biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ mái trường thân yêu này. Và đáng mừng hơn, nhiều học trò cũ Trường THPT Ngô Quyền sau khi thành đạt đã lặng lẽ quay lại trường để giúp đỡ các thế hệ học sinh sau này.

Ban Giám hiệu nhà trường tuyên dương, khen thưởng học sinh đỗ đại học năm 2015.
Ban Giám hiệu nhà trường tuyên dương, khen thưởng học sinh đỗ đại học năm 2015.

Thương học trò như con em mình

Trường THPT Ngô Quyền nằm ở địa bàn phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, nên đời sống người dân còn nhiều vất vả. Bởi vậy, không chỉ nguồn tuyển đầu vào hằng năm thấp, tỷ lệ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường cũng khá cao. Với tấm lòng thương yêu học sinh, nhiều thầy cô giáo nhà trường đã âm thầm chia sẻ, giúp đỡ cho nhiều học sinh vững bước đến trường.

Hàng chục năm nay, cô Hồ Thị Hà, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ Trường THPT Ngô Quyền luôn âm thầm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình lên lớp, phát hiện học sinh nào đến trường thiếu thốn áo quần, sách vở, cô Hà đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó trích tiền lương của mình  đóng học phí, mua áo quần, sách vở để tặng các em. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cô Hà, nhiều học sinh không phải bỏ học nửa chừng hay đến trường trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Cô Hà tâm sự: Mỗi lần thấy học sinh nghèo đến trường trong cảnh thiếu thốn, lòng cô như chùng xuống. Vậy là cô bỏ tiền túi, rồi vận động thêm các “mạnh thường quân” chung tay góp sức để giúp đỡ học sinh. Và việc chia sẻ những khó khăn với học trò như một mệnh lệnh từ trái tim.

Trong những ngày đầu năm học 2015-2016, Trường THPT Ngô Quyền có một câu chuyện khá xúc động lòng người. Qua quá trình rà soát hồ sơ, sổ sách học sinh thuộc diện nghèo, khó khăn..., thầy giáo T. đã “khựng” người khi phát hiện giấy khai sinh của một học sinh nữ lớp 11 chỉ có tên em mà không có tên cha mẹ. Tìm hiểu kỹ, thầy T. biết em học sinh này có hoàn cảnh hết sức đáng thương, không có bố mẹ. Từ nhỏ đến lớn, em sống nhờ ở nhà một người hàng xóm tốt bụng. Nhưng đến năm học lớp 10, vì một số lý do, em không sống nhờ nhà người hàng xóm ấy nữa. Cơm nước bữa đói, bữa no, nhưng hằng ngày em đến trường học tập, tối lại xin ngủ nhờ nhà bạn bè.

Thương cảm hoàn cảnh học trò, thầy T. đã lấy tiền lương của mình lo tiền ăn hằng tháng cho em. Không chỉ vậy, thầy còn chạy đôn chạy đáo đi xin chỗ ở ổn định cho em học sinh này từ đầu năm học cho đến nay. “Dù hoàn cảnh trớ trêu như vậy, ăn thì bữa đói bữa no, nhưng em học trò này vẫn chăm chỉ học tập, mình thấy thương lắm. Chỉ mong em cố gắng học hành tốt, sau này tự tin bước vào đời, có cuộc sống ổn định như bao bạn trẻ khác”, thầy T. bày tỏ.  

Kết nối yêu thương  

Mỗi thầy cô giáo ở Trường THPT Ngô Quyền yêu thương, đùm bọc, sẻ chia với học sinh theo mỗi cách, nhưng tựu trung lại là tấm lòng của người thầy dành cho học sinh, cốt để giúp các em trưởng thành vững bước vào đời. Và đáng mừng, ở trường có hàng chục cán bộ, giáo viên luôn sẵn lòng giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khó khăn, chậm tiến bộ…

Trường THPT Ngô Quyền có đặc điểm là chất lượng đầu vào học sinh thấp cả về học lực lẫn hạnh kiểm; số học sinh có nguy cơ bỏ học hằng năm khá nhiều. Trong công tác dạy và học, tập thể lãnh đạo, giáo viên, nhân viên nhà trường phải chịu nhiều vất vả hơn các trường THPT khác trên địa bàn. Câu hỏi làm thế nào để các em nên người, tiến bộ hơn trong học tập, để nâng cao tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT…luôn là nỗi trăn trở chung của cả Hội đồng sư phạm nhà trường. Và để giúp các em, trong kỳ tuyển sinh hằng năm, nhà trường tiến hành phân loại học sinh, rồi lên kế hoạch bồi dưỡng, bổ khuyết kiến thức cho các em theo từng phương pháp phù hợp. Nhờ đó, chất lượng dạy và học của nhà trường không ngừng tăng lên qua từng năm học.

Nếu những năm trước, số lượng học sinh của nhà trường trúng tuyển ĐH chỉ khiêm tốn dưới 25 em, thì năm học 2014-2015, trường có 58 học sinh trúng tuyển. Trong đó có nhiều em đỗ điểm cao như: Trần Hưng Phúc Nguyên đạt 24,5 điểm, trúng tuyển Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng); Đặng Phúc Tường đạt 24 điểm, trúng tuyển Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng); Cung Đình Tuấn Anh đạt 22,75 điểm, trúng tuyển Trường ĐH Luật (ĐH Huế)...

Trong những ngày tháng học ở trường, được thầy cô giáo hết mực thương yêu, tận tình giúp đỡ, nhiều học sinh Trường THPT Ngô Quyền sau khi ra trường có nghề nghiệp ổn định, thành đạt đã không quên công ơn, tìm về giúp đỡ các thế hệ “đàn em” của mình. Thầy Lê Phước Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền vui mừng cho biết, các thế hệ học trò Trường THPT Ngô Quyền có truyền thống đùm bọc, sẻ chia với nhau.

Thực tế đã có hàng chục cựu học sinh nhà trường vẫn thường xuyên liên lạc và sẵn sàng giúp đỡ các thế hệ “đàn em” có hoàn cảnh khó khăn khi thầy cô giáo kêu gọi, vận động. Có được điều này bởi trước đó, các thầy cô giáo đã “thổi” vào lòng học sinh những tình cảm, lòng nhân ái. Trong thời gian đến, nhà trường sẽ thành lập Chi hội từ thiện để cựu học sinh kết nối yêu thương, sẻ chia với các thế hệ “đàn em” của mình.

Đối với hoạt động dạy và học, thầy Lê Phước Dũng cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, phát triển vững mạnh về chất lượng giáo dục học sinh và chất lượng giáo viên; không ngừng xây dựng hội đồng sư phạm đoàn kết, thân ái, tâm huyết, yêu nghề và có trách nhiệm cao, hết lòng với học sinh thân yêu.

Năm 1975, Trường Bổ túc văn hóa cán bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập và khai giảng năm học đầu tiên. Từ đó đến nay, qua từng thời kỳ khác nhau, trường lần lượt đổi thành các tên: Trường PTLĐ số 1 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trường Bổ túc Trung học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Trường THPT Phân hiệu II Hoàng Hoa Thám, Trường THPT Bán công Ngô Quyền và năm 2008 đổi tên thành Trường THPT Ngô Quyền.

Sau 40 năm xây dựng, phát triển, trường có tổng số 102 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 11 thạc sĩ. Năm học 2015-2016, trường có tổng số 1.367 học sinh.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

.