Giáo dục
Những thiếu sót đáng tiếc trong đổi mới giáo dục
Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, năm qua, ngành giáo dục đã có những chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học ở các cấp, đặc biệt là sự ủng hộ và vào cuộc của toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, ngành giáo dục đã bộc lộ một số thiếu sót, sai lầm đáng tiếc.
Thí sinh và phụ huynh căng thẳng trong xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế quốc dân năm 2015 |
Xin lỗi ngay từ khâu “đột phá”
Trong công cuộc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Bộ GD-ĐT đã chọn khâu đổi mới thi cử là khâu "đột phá" đầu tiên và vì đây là trận mở màn cho một chiến dịch.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã quyết định tổ chức kỳ thi “2 trong 1” với kết quả thi được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Kỳ thi đã được tổ chức thành công, giảm áp lực, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội khi các em chỉ phải dự thi một đợt duy nhất (thay cho 2-3 đợt như trước), đến điểm thi gần hơn khi các cụm thi được tổ chức tại các địa phương. Kỳ thi cũng khắc phục tâm lý thi cử nặng nề, tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học.
Tuy nhiên, đến khâu xét tuyển đã xảy ra tình trạng hỗn loạn xét tuyển nguyện vọng 1 vào một số trường đại học top đầu. Một cuộc chạy đua rút-nộp hồ sơ căng thẳng chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ĐH.
Hạ tầng công nghệ chưa đạt yêu cầu làm trang công bố điểm thi bị nghẽn thời gian dài, khiến xã hội bức xúc. Đặc biệt, việc kê khai hồ sơ nhiều sai sót dẫn đến việc hàng loạt thí sinh nhập học cả tháng trời mới biết mình rớt đại học.
Khi sự việc xảy ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. "Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này", ông Luận nói.
Tranh cãi “nảy lửa” vì tích hợp môn Lịch sử
Lần đầu tiên, quy trình xây dựng chương trình sách giáo khoa được tiến hành một cách bài bản và thực sự khoa học, đánh dấu bằng việc công bố chương trình phổ thông tổng thể rồi sau đó mới triển khai đến chương trình môn học và cuối cùng là viết sách giáo khoa.
Theo đó, chương trình sẽ tích hợp mạnh ở lớp học dưới, phân hoá dần ở lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới. Các môn học ở cả 3 cấp được chia thành nhóm bắt buộc và tự chọn.
Trong cả cấp học trung học phổ thông, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong chương trình giáo dục.
Mặc dù tới nay, kinh phí cho đề án còn chưa được cấp nhưng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD&ĐT đã chủ động các hoạt động chuẩn bị. Trên tinh thần chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý… và toàn xã hội ngay trong quá trình xây dựng chương trình mới nên Bộ đã sớm đưa dự thảo chương trình tổng thể ra để xin ý kiến rộng rãi.
Tuy nhiên, sau khi dự thảo được công bố đã nổi lên một làn sóng tranh luận gay gắt về số phận tích hợp môn Lịch sử. Theo đó, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".
Nhiều buổi hội thảo, nhiều ý kiến của giới sử học phản đối kịch liệt. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định tầm quan trọng của việc học lịch sử và cương quyết cần phải để môn Lịch sử thành một môn học riêng, bắt buộc và Hội Lịch sử sẽ đấu tranh đến cùng để giữ lại môn Lịch sử.
Ngày 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới”. Theo đó, Lịch sử được tích hợp ở cấp một, nhưng là môn độc lập tại bậc THPT. Thí sinh dự thi đại học môn này sẽ chọn chương trình nâng cao.
Công cuộc đổi mới giáo dục là một hành trình dài. |
Cuộc hành trình dài
Trước đó, chia sẻ với báo giới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, công cuộc đổi mới giáo dục là một hành trình dài. Chúng tôi rất cần sự chia sẻ, tin tưởng từ người dân, sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ các thầy, cô giáo. Tôi coi thực hiện đề án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn. Khi bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến người lính đều phải có quyết tâm cao và có niềm tin chiến thắng.
Đồng thời, Bộ trưởng Luận ví, công cuộc đổi mới lần này như một đoàn tàu khổng lồ đang chạy với hành khách là hơn 22 triệu thầy cô và học sinh. Không thể dừng lại mà phải vừa chạy vừa điều chỉnh, tăng tốc đột ngột hay cua gấp dễ bị tai nạn…
Tâm huyết với giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến rất thẳng thắn. Các ý kiến đều ghi nhận những nỗ lực của ngành GD-ĐT đã triển khai trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chân thành góp ý với Bộ GD-ĐT cần làm tốt hơn công tác tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, chuyên gia thông qua các cơ chế có tính chính thức, ràng buộc trách nhiệm và đảm bảo điều kiện thực hiện chứ không chỉ lấy ý kiến rộng rãi trên mạng. Đặc biệt chú ý phản hồi, phân tích các ý kiến không được tiếp thu, tránh để người góp ý có “cảm tưởng” Bộ chưa thực sự trân trọng, cầu thị các ý kiến.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đổi mới giáo dục là việc rất hệ trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, chuyên gia, và đông đảo người dân cũng như toàn xã hội. Vì vậy việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK mới cần phải tuân thủ theo đúng quy trình trước, sau rất bài bản, có thứ tự ưu tiên và cần được tuyên truyền giải thích, chuẩn bị kỹ lưỡng… tránh tạo cảm giác theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ”.
Phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo Bộ GD-ĐT về đổi mới giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ý tưởng đổi mới đôi khi chỉ manh nha từ một nhóm nhỏ và không phải lúc nào cũng có thể thuyết phục được số đông ngay từ đầu. Nhưng nếu ý tưởng đó dựa trên cơ sở khoa học vững chắc, có tầm nhìn, với phương thức triển khai khoa học, thận trọng, luôn đứng trên quyền lợi số đông thì từng bước sẽ thuyết phục được số đông.
Công cuộc đổi mới giáo dục sẽ còn tiếp diễn ra trong nhiều năm, với nhiều cơ hội và không ít những khó khăn thách thức mà những người trong cuộc cần trong tâm thế sẵn sàng để vượt qua.
Theo Dân Trí