Ngày 5-4, Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp thành phố và Trường Đại học Duy Tân (ĐHDT) tổ chức tọa đàm về hợp tác, hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp trên địa bàn thành phố, trong đó trọng tâm là hỗ trợ thầy và trò Trường ĐHDT phát triển khởi nghiệp.
Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp của thành phố giới thiệu các chương trình, các chiến lược và các chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp của thành phố trong các kế hoạch 5 năm, kế hoạch trung và dài hạn, cũng như các thành quả sau một thời gian mạng lưới đi vào hoạt động. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh, Trường ĐHDT là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của thành phố và của khu vực, nên việc giáo dục và hỗ trợ cho thầy và trò nhà trường phát triển khởi nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHDT, công tác nghiên cứu khoa học của trường đã được quan tâm, đầu tư… nên đã có nhiều công trình, sản phẩm có tính thực tiễn cao, được xã hội và thị trường chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, công trình làm ra không tiêu thụ được, hoặc thiếu kinh phí nên chưa được ứng dụng nhiều vào thực tiễn.
Nhiều sản phẩm đã được các doanh nghiệp, các cơ quan mua sử dụng, nhưng mới chỉ ở cấp độ thử nghiệm, sản xuất đơn chiếc, chưa được phổ cập và thị trường hóa, việc nghiên cứu chế tạo ra những sản phẩm này còn mang nặng tính nghiên cứu khoa học.
Vì thế, việc phát triển để trở thành sản phẩm được nhiều người tiêu dùng mua, sử dụng còn hạn chế nên các Câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường, hoặc các nhóm nghiên cứu có những sản phẩm nói trên phát triển, trở thành các doanh nghiệp chưa cao.
Để thúc đẩy khởi nghiệp từ nhà trường, Hiệu trưởng Trường ĐHDT Lê Công Cơ cho rằng: Mục tiêu của nhà trường là đào tạo để giáo viên và sinh viên nhà trường có ý thức và tinh thần khởi nghiệp. Mỗi khoa, ngành của trường phải là một vườn ươm ý tưởng. Việc khởi nghiệp của nhà trường sẽ được gắn kết, đồng hành cùng chương trình khởi nghiệp của thành phố; biến Trường Đại học Duy Tân là trường đại học khởi nghiệp.
Đức Thịnh