Giáo dục
Độc quyền phần mềm tuyển sinh, lo ngại tái diễn "vỡ trận" như 2015?
Sau sự cố "vỡ trận" trong công bố điểm thi trung học phổ thông và xét tuyển đại học năm 2015, chủ trương năm 2016 hàng trăm trường đại học, cao đẳng trên cả nước dùng chung một phần mềm tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang gây nhiều lo lắng cho cả các trường và thí sinh.
Các trang web công bố điểm thi trung học phổ thông quốc gia tê liệt. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tiềm ẩn nguy cơ vỡ trận?
Ngày 22-7-2015 có lẽ là một ngày khó quên với các học sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông quốc gia cùng năm trên cả nước khi Bộ công bố điểm thi nhưng đa số các trang web được phép công bố điểm đều tê liệt.
Nguyên nhân là do trước đó, Bộ đã chủ trương nắm "độc quyền" kênh công bố điểm trên website của mình. Các đường link xem điểm trên các báo đều dẫn về link của Bộ nên trên thực tế, vẫn chỉ là một cổng tra cứu. Khi chỉ còn cách giờ công bố điểm vài tiếng, nhìn thấy nguy cơ vỡ trận, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chia sẻ quyền công bố điểm cho 8 trường đại học. Tuy nhiên, thông tin này quá gấp khiến nhiều thí sinh không cập nhật được còn các trường thì bị động trong khâu chuẩn bị.
Trong khi đường truyền của Bộ chỉ chịu được ở mức 60.000 lượt truy cập cùng lúc thì ước tính vào thời điểm công bố điểm thi chiều ngày 22/7/2015, lượng truy cập lên đến hàng triệu lượt, gồm cả thí sinh và người nhà. Hậu quả tất yếu là sau hàng giờ đồng hồ, nhiều thí sinh vẫn chưa thể biết được điểm thi của mình.
Một tháng sau đó, ngày 20/8, ngày cuối cùng trong đợt xét tuyển nguyện vọng một vào các trường đại học, cao đẳng, tiếp tục xảy ra tình trạng quá tải và nghẽn mạng. Tại Đại học Kinh tế Quốc dân, nhiều thí sinh hớt ha hớt hải đến rút hồ sơ mang sang trường khác đăng ký rồi lại cuống cuồng khóc lóc chạy về Đại học Kinh tế quốc dân “khiếu nại”. Lý do là hồ sơ giấy đã rút nhưng thông tin về thí sinh vẫn chưa được hệ thống phần mềm tuyển sinh “nhả ra” do nghẽn mạng, vì thế, các trường khác không thể nhập dữ liệu để đăng ký xét tuyển cho thí sinh.
Tuy nhiên, cần nói rõ hơn là trong khâu xét tuyển của năm 2015, Bộ có xây dựng phần mềm chung nhưng không phải tất cả các trường đều sử dụng mà nhiều trường dùng phần mềm riêng và đấu nối vào server của bộ để tải dữ liệu, nhưng vẫn xảy ra tình trạng quá tải.
“Năm trước chúng ta đã có bài học rồi. Năm nay dùng chung phần mềm xét tuyển thì những nguy cơ trên là khó tránh khỏi. Sự cố về công nghệ thông tin hoàn toàn có thể xảy ra vì cơ sở vật chất, thiết bị và trình độ công nghệ của các trường không đồng đều. Lúc đó, người chịu thiệt thòi là thí sinh,” phó giáo sư Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nói.
Lãnh đạo một trường trong nhóm GX (Nhóm tuyển sinh do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì) cũng cho rằng, phần mềm là rủi ro lớn nhất khi xét tuyển tập trung.
Theo ông Trần Văn Tớp, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội, khi xây dựng phần mềm tuyển sinh cho nhóm trường GX, Đại học Bách khoa cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc tại sao không mở rộng quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin là vấn đề lớn. “Chúng tôi có thể đảm bảo phần mềm chạy tốt trong phạm vi nhất định, khoảng 10 hay 20 trường, nhưng nếu 200 trường thì vấn đề sẽ khác,” ông Tớp nói.
Hình ảnh "kinh hoàng" tại Đại học Kinh tế Quốc dân trong ngày cuối cùng xét tuyển nguyện vọng một năm 2015. (Ảnh: CTV/Vietnam+) |
Cần nghiên cứu kỹ để tránh “vừa chạy vừa xếp hàng”
Một bài học về phần mềm trong kỳ xét tuyển đại học năm 2015 là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không lường được hết các tình huống để xây dựng phần mềm tương thích, dẫn đến tình trạng “vừa chạy vừa xếp hàng”, cứ xảy ra sự cố lại “đắp” bổ sung phần mềm.
Ví dụ, khi hàng nghìn thí sinh, phụ huynh phải khăn gói lên tận các trường đại học để rút hồ sơ, Bộ mới thấy những bất cập của quy định phải rút hồ sơ trực tiếp. Bộ “chữa cháy” bằng cách đưa ra quy định thí sinh có thể đăng ký rút hồ sơ xét tuyển tại các sở giáo dục đào tạo và các trường trung học phổ thông do sở quy định. Phần mềm khi đó mới có thêm nội dung cập nhật từ các sở.
Năm 2015, thí sinh được đăng ký nguyện vọng một cùng lúc vào bốn nguyện vọng khác nhau vào bốn ngành của một trường. Ban đầu, lãnh đạo Bộ khẳng định phần mềm của mình rất tiên tiến nhưng khi áp dụng xét tuyển, phần mềm không lọc được thí sinh ảo ở các nguyện vọng. Điều này dẫn đến một thí sinh nếu điểm cao và có bốn nguyện vọng thì có thể xuất hiện trong danh sách đỗ của cả bốn ngành, chiếm chỗ của ba thí sinh khác.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, thí sinh Phạm Minh Công (Nam Định) cho biết, để biết chính xác mình ở vị trí nào, em phải ngồi dò danh sách từng thí sinh trúng tuyển của từng ngành trong số các ngành mình đăng ký, sau đó trừ đi các thí sinh bị trùng lặp. Tuy nhiên em cho biết việc này rất mất thời gian vì không phải các thí sinh đều đăng ký các ngành giống nhau và giống những ngành em chọn, và có hàng trăm lượt thí sinh đỗ ảo, tương ứng với hàng trăm thí sinh trượt ảo.
Để ứng phó với tình trạng này, nhiều trường đã phải xây dựng phần mềm tuyển sinh riêng để lọc ảo.
“Một kỳ tuyển sinh quan trọng nhưng phần mềm không ổn định ngay từ đầu mà vừa chạy Bộ vừa hoàn thiện dần trong quá trình sử dụng,” ông Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, nhận định.
Trước thực tế của năm 2015, ông Lê Hữu Lập, cho rằng đó là bài học nhãn tiền cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, trước chủ trương sử dụng chung phần mềm tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2016, ông Lập cho rằng cùng một lúc dữ liệu về một trung tâm thì tắc nghẽn là bình thường.
Theo ông Lập, nếu Bộ đảm nhiệm tốt về mặt công nghệ thông tin thì việc Bộ “ôm” tuyển sinh cũng tốt cho các trường. “Nhưng nếu Bộ xử lý lúng túng về công nghệ thì các trường mệt, thí sinh thiệt, phút chót thay đổi như mọi năm thì không hay, vì vậy phải tính toán kỹ. Đây là câu chuyện về mặt kỹ thuật nhưng phải khẳng định năm nay làm tốt hơn năm ngoái thì mới nên làm,” ông Lập nói.
Theo Vietnam+