Giáo dục
Đổi mới phương thức xét tuyển đại học
Mùa tuyển sinh năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học. Trước tình hình đó, nhiều trường đã chủ động đổi mới phương thức xét tuyển đại học.
Học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp quốc gia năm 2016 để lấy kết quả xét tuyển đại học. |
Nhiều điểm mới
Năm nay, Đại học (ĐH) Đà Nẵng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo các đợt do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Đợt 1: từ 1-8 đến 12-8. Bổ sung đợt 1: từ 21-8 đến ngày 31-8-2016 và bổ sung đợt 2: từ 11-9 đến 21-9. Ngưỡng điểm xét: tổng điểm các môn thi từ 16,0 trở lên và điểm mỗi môn từ 4,5 trở lên. Nguyên tắc là xét tuyển các nguyện vọng của thí sinh theo thứ tự ưu tiên trên phiếu đăng ký xét tuyển. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau. Trong mỗi ngành, xét tuyển theo nguyên tắc bình đẳng giữa các nguyện vọng của thí sinh. Các nguyện vọng có thứ tự khác nhau đều có giá trị xét tuyển như nhau vào ngành.
Đối với các ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển, mức chênh lệch điểm chuẩn giữa các tổ hợp do các đơn vị thành viên quy định, được công bố công khai trước mỗi đợt xét tuyển. Nhóm trường ĐH Đà Nẵng năm 2016 thực hiện việc xét tuyển như trên gồm: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm và ĐH Ngoại ngữ; 2 trường Cao đẳng (CĐ) gồm: CĐ Công nghệ và CĐ Công nghệ thông tin, 1 phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum; 1 khoa Y Dược; 1 Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh.
Thầy Phan Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, đơn vị sẽ tham gia tuyển sinh theo nhóm trường trong ĐH Đà Nẵng. Việc tuyển sinh nhiều điểm mới như ngoài xét tuyển theo nhóm trường ĐH Đà Nẵng, thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Bách khoa phải có tổng điểm các môn thi từ 16,0 và điểm mỗi môn từ 4,5 trở lên. Đối với các chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến, trường chỉ xét tuyển các thí sinh có điểm thi Anh văn từ 5,0 trở lên.
Cũng là một trong những trường tuyển sinh theo nhóm ĐH Đà Nẵng, năm nay, Trường ĐH Kinh tế tuyển tổng chỉ tiêu 3.365 sinh viên với 16 ngành, trong đó có 5 ngành chỉ tuyển sinh chương trình đào tạo chất lượng cao gồm: Kế toán, Kiểm toán, Kinh doanh thương mại, Kinh doanh quốc tế, Marketing. Năm nay, ngoài 7 chuyên ngành đã đào tạo gồm: Kế toán, Kiểm toán, Marketing, Ngân hàng, Ngoại thương, Quản trị tài chính và Tài chính doanh nghiệp, nhà trường đào tạo thêm 3 chuyên ngành chất lượng cao gồm: Quản trị kinh doanh thương mại, Quản trị kinh doanh du lịch và Quản trị kinh doanh tổng quát.
Trường ĐH Duy Tân cũng có nhiều thay đổi trong phương thức xét tuyển. Thầy Đặng Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường cho biết, thay vì xét tuyển theo học bạ THPT bằng cách lấy tổng điểm 5 học kỳ ở cấp THPT (lớp 10, 11 và học kỳ I của lớp 12) như mọi năm, năm nay, trường chỉ lấy điểm trung bình các tổ hợp môn lớp 12. Ngoài ra, đối với môn thi vẽ mỹ thuật, nhà trường còn tổ chức thi vẽ miễn phí cho thí sinh. Trường ĐH Duy Tân còn mở thêm trang luyện thi điện tử (http://luyenthi.duytan.edu.vn) giúp thí sinh có thêm kênh rèn luyện, thử sức kiến thức.
Tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký
Thầy Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Đà Nẵng cho biết, năm nay thí sinh cần lưu ý nhiều vấn đề. Đối với thí sinh đăng ký vào từng trường riêng lẻ thì mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên.
Thí sinh đăng ký vào các trường tuyển sinh theo nhóm (hiện nay có 2 nhóm đã được Bộ phê duyệt là nhóm ĐH Đà Nẵng và nhóm GX do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì) thì có thể đăng ký tối đa 4 trường trong nhóm, trong mỗi trường tối đa 2 ngành.
Năm nay, thí sinh có thể đăng ký 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm. Nếu thí sinh đã đăng ký 2 trường trong nhóm thì không được đăng ký 1 trường khác ngoài nhóm. Điều đáng nói là thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký.
Thầy Quốc còn cho hay, cách xét tuyển năm nay có nhiều khác biệt. Nếu như năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định xét tuyển theo nguyên tắc bình đẳng nguyện vọng thì năm nay, Bộ cho phép các trường tự quy định về nguyên tắc xét tuyển giữa các nguyện vọng.
Do đó, thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của từng trường để biết quy định cách thức xét tuyển của từng trường trước khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Được biết, ĐH Đà Nẵng vẫn giữ nguyên quy định xét tuyển như năm 2015, nghĩa là bình đẳng giữa các nguyện vọng. “Điểm mới cần lưu ý nhất là xác nhận nguyện vọng học.
Do thí sinh được quyền đăng ký 2 trường khác nhau hoặc 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm nên có thể thí sinh sẽ trúng tuyển cả 2 trường. Do đó, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT vào trường có nguyện vọng học.
Quá thời hạn quy định, nếu thí sinh không nộp giấy chứng nhận kết quả thi, xem như từ chối nhập học. Đối với thí sinh đăng ký hoàn toàn vào các trường trong nhóm thì chỉ trúng tuyển vào 1 trường trong nhóm đó (nếu đủ điểm trúng tuyển). Do đó, xét tuyển theo nhóm là cách thức để hạn chế thí sinh trúng tuyển ảo. Trong trường hợp trúng tuyển nhóm, thí sinh cũng phải nộp giấy chứng nhận kết quả thi xác nhận nguyện vọng học”, thầy Quốc cho biết.
Lịch đăng ký xét tuyển đại học đợt I: từ 1 đến 12-8. Các trường công bố kết quả xét tuyển đợt I: trước 15-8. Thí sinh nộp giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nguyện vọng học đợt I: trước 17 giờ ngày 17-8. |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ