Giáo dục
Bài cuối: Làm sao để giành học bổng?
Không kể những trường hợp được gia đình hỗ trợ về kinh tế, những bạn khó khăn hơn vẫn có thể nuôi ước mơ du học bằng việc nỗ lực học tập, tích cực tham gia hoạt động xã hội và tìm cơ hội từ các kênh thông tin.
Sinh viên tìm kiếm thông tin về du học tại Đà Nẵng. ảnh: Phương trà |
Tìm thông tin trên mạng
Vượt qua hàng trăm ứng viên để giành học bổng Global Ugrat của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Hồ Phan Kim Liên, sinh viên năm 3, khoa Thương mại, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết, thông tin học bổng đều có trên mạng Internet. Theo Liên, các bạn chỉ cần lên mạng, chịu khó tìm kiếm học bổng phù hợp.
Liên cho rằng, giỏi tiếng Anh chỉ là một trong những tiêu chí giành học bổng. “Ban đầu mình nghĩ tiếng Anh phải thật xuất sắc, nhưng thực ra đó chỉ là một phần quan trọng. Tùy từng loại học bổng lại có tiêu chí riêng buộc ứng viên phải đáp ứng tốt. Chẳng hạn, với học bổng Global Ugrat, mình phải trải qua các vòng tuyển chọn và phỏng vấn bằng tiếng Anh với những câu hỏi kiểm tra kỹ năng lãnh đạo, các hoạt động vì cộng đồng sau khóa học…”, Liên chia sẻ. Liên cho rằng, những hoạt động vì cộng đồng, hoạt động tình nguyện được ban tổ chức đánh giá cao đối với các ứng viên.
Đồng quan điểm trên, Nguyễn Hữu Thanh Minh (sinh viên năm 2, khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng), người cũng vừa giành được học bổng Global Ugrat cho hay, có nhiều nguồn tìm kiếm thông tin, có thể qua thầy cô, bạn bè, nhà trường hoặc lên mạng Internet. Theo Minh, tiêu chí quan trọng là phải có thành tích học tập tốt, vốn ngoại ngữ khá chuẩn và tham gia tích cực các hoạt động xã hội như hoạt động tình nguyện, phong trào Đoàn. Minh đang tham gia Tổ chức sinh viên quốc tế Aiesec và nhiều hoạt động khác vì cộng đồng. Minh cũng vừa đạt trình độ ngoại ngữ TOEFL iBT 80 và IELTS 7.0. Theo Minh, tìm được học bổng phù hợp và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì cơ hội “săn” thành công rất cao.
Không chỉ có ứng viên đi tìm học bổng, hiện nay, các trường đại học nước ngoài cũng chủ động tìm sinh viên giỏi thông qua nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá. Nguyễn Thu Sương (20 tuổi, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng) cho biết: “Mỗi năm có nhiều trường đại học nước ngoài đến Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tư vấn, tuyển sinh đối với học sinh lớp 12. Thường các trường đều cho học bổng từ 50-100%. Ngoài một bộ phận đi du học tự túc, các bạn giỏi ngoại ngữ và kết quả học tập tốt đều có thể kiếm học bổng toàn phần của các nước Nhật, Phần Lan…”.
Kết nối từ các cựu sinh viên du học
Hiện nay, nhiều cựu sinh viên trong và ngoài nước thành lập các câu lạc bộ giúp đỡ “đàn em” “săn” học bổng. Đơn cử như Câu lạc bộ Cựu du học sinh tại Hoa Kỳ với chương trình Thắp sáng khát vọng Việt. Đây là chương trình được khởi xướng và thực hiện bởi chính những thành viên của Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUS). Chương trình cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng và hiện thực hóa giấc mơ. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc du học hoặc tìm những công việc tốt trong tương lai. Chỉ riêng trong năm 2015, chương trình giúp 10 bạn thực hiện ước mơ du học miễn phí tại Hoa Kỳ.
Hay như chương trình Mentoring Program là cầu nối giữa sinh viên đã và đang du học thành công với những bạn trong quá trình chuẩn bị nộp hồ sơ. Tại đây, các bạn trẻ được tư vấn và định hướng chọn trường, ngành học, quá trình chuẩn bị xin học và xin trợ cấp tài chính. Được biết, tỷ lệ các bạn được chương trình giúp du học miễn phí thành công hằng năm khá nhiều và những bạn này được khuyến khích cộng tác hỗ trợ thế hệ kế tiếp.
Ngoài ra, trên những trang thông tin điện tử, mạng xã hội của Hội Sinh viên Việt Nam ở các trường đại học nước ngoài, các cựu sinh viên người Việt cũng nhiệt tình tư vấn từ xa hoặc tư vấn trực tiếp tại Đà Nẵng. “Mỗi năm chúng tôi giúp hàng trăm bạn trẻ có nguyện vọng đi du học về cách tìm kiếm học bổng, cách hòa nhập khi sống và học tập tại Mỹ”, anh Đậu Thanh Châu, Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu sinh viên du học Mỹ cho biết.
PHƯƠNG TRÀ