.

Những thí sinh đặc biệt

.

Sáng 30-6, cùng hơn 10.000 thí sinh làm thủ tục chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, có những ông bố, bà mẹ hăng hái đến trường không phải để chờ con mà để làm một thí sinh thực sự; cũng có thí sinh khiếm thị với cháy bỏng ước mơ vào đại học. Với họ, học không bao giờ muộn.

 “Mẹ ráng thi nha!”

8 giờ mới bắt đầu học quy chế thi, nhưng từ 6 giờ 30, chị Tâm (41 tuổi, trú tại Quảng Nam) đã có mặt trước cổng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) với tâm trạng đầy lo lắng. Kéo tay em học sinh đứng gần, chị thỏ thẻ: “Con dẫn cô đi tới phòng thi ni với, cô không biết đường”.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ gian khó, là con liệt sĩ, chị Tâm được đặc cách cho đi học nghề dược khi mới chỉ học xong lớp 9. Đến năm 22 tuổi, chị bắt đầu làm nghề dược cho đến nay. Sở dĩ chị được dự thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng là do trước đây chị từng học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp quận Sơn Trà.

Suốt bao năm qua, chị Tâm mong mỏi một ngày được cầm trên tấm bằng Tốt nghiệp THPT để không thẹn với lòng và lương tâm nghề nghiệp. “Tôi làm nghề rất giỏi, nhưng lỡ ai biết mình chưa tốt nghiệp 12, họ cười cho, dù mình không làm gì sai trái. Mùa thi năm nay còn đặc biệt hơn khi tôi có “cô bạn” đồng hành là cô con gái 18 tuổi, hiện là học sinh một trường THPT tại Đà Nẵng. Sáng nay, 2 mẹ con cùng đến trường thi, bé nhắn “mẹ ráng thi nha” nghe thiệt ngộ, nhưng mình càng có thêm động lực “vượt vũ môn”, chị tâm sự.

Đi thi làm gương cho con

Thí sinh Lê Văn Tâm (38 tuổi, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) cũng là một trong 3 thí sinh lớn tuổi đặc biệt của điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh Lê Văn Tâm chỉ có điều kiện học đến lớp 9 rồi đi làm “thợ đụng” kiếm sống. Mặc dù bận rộn bươn chải trong cuộc sống, nhưng trong anh luôn mong muốn được trở lại với phấn trắng, bảng đen, nhất là được đi thi tốt nghiệp THPT như bao người. Vượt lên hoàn cảnh, năm 2013, anh theo học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp quận Cẩm Lệ. Năm 2014, anh được nhận vào làm dân quân tự vệ tại UBND phường Hòa Phát. Công việc yêu cầu anh phải có bằng tốt nghiệp THPT nên anh càng có chí hướng phấn đấu. Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này, anh Tâm không chỉ tự học ngày, học đêm mà còn nhờ thầy về nhà dạy kèm. Anh nói: “Phải học, phải thi để còn làm gương cho con mình”.

Một trường hợp thí sinh lớn tuổi khác là anh Phan Thế Tâm (35 tuổi, phường Bình Thuận, quận Hải Châu) cũng lần đầu tiên đi thi tốt nghiệp THPT. Anh là học sinh của Trung tâm Giáo dục thường xuyên-Hướng nghiệp quận Cẩm Lệ và hiện đang làm bộ phận điều hành của một hãng taxi. Cũng như 2 thí sinh trên, ngoài yêu cầu công việc phải có bằng tốt nghiệp THPT, trên hết, anh muốn quyết tâm “chinh phục” kỳ thi để không hổ thẹn với chính mình.

Thí sinh khiếm thị quyết tâm vào đại học

Mặc dù có thể được làm hồ sơ để xét đặc cách tuyển thẳng vào Đại học Đà Nẵng nhưng Mai Văn Hiền (22 tuổi, ở Quảng Nam), học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) vẫn quyết tâm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học.

Đi cùng bố đến làm thủ tục tại điểm thi Trường Cao đẳng Phương Đông (Đà Nẵng) sáng 30-6, Hiền cho biết: “Em muốn dự thi như các bạn khác để đánh giá học lực và nếu đỗ kỳ thi cũng bằng chính sức của mình chứ không phải do được ưu tiên, đặc cách”. Năm nay, Hiền thi tốt nghiệp để đăng ký xét tuyển khối A, ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Trong 12 năm phổ thông, Hiền đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nghèo làm nông, Hiền được bố mẹ gửi nhờ bà nội chăm sóc và sau đó em ra Đà Nẵng học tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sau một buổi học tại trường chuyên biệt, Hiền còn được học hòa nhập tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và lên THPT thì học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. “Tôi có 6 người con, nhưng mất 2 chỉ còn 4. Hiền bị khiếm thị từ khi mới sinh ra. Gia đình cố gắng chạy chữa khắp nơi, cháu vẫn không nhìn thấy gì. Tôi cũng bảo nó ở nhà rồi kiếm việc phù hợp làm, nhưng nó không chịu. Từ nhỏ, Hiền đã tỏ ra ham học và luôn nỗ lực cố gắng học thật tốt”, ông Mai Văn Thông - bố của Hiền, cho biết. Ông Thông cho biết thêm, Hiền rất thích nghe đọc truyện trên đài, nghe thời sự trên ti-vi.

Cô Bùi Thị Diệp Anh, giáo viên Văn, chủ nhiệm nhiều năm của Hiền tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Ban đầu, khi mới vào trường, Hiền hay mặc cảm, tự ti. Tuy nhiên, sau này em dần hòa nhập và tiến bộ rất nhanh”. Không chỉ nổi trội ở các môn Toán, Lý, Hóa, Hiền còn là “cây văn nghệ” ở các trường em theo học.

Đại học Đà Nẵng cho biết, Hiền là thí sinh khiếm thị duy nhất dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay tại Đà Nẵng. Đại học Đà Nẵng bố trí một phòng thi riêng với một giáo viên của Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng dịch đề giúp thí sinh đặc biệt này.

MỘC MIÊN - KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.