Giáo dục
Sẽ đưa đón học sinh bằng xe buýt
Đà Nẵng sẽ có hệ thống xe buýt đưa đón học sinh trên toàn thành phố. Đó là tin vui đối với học sinh và phụ huynh trong năm học mới 2016-2017. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào cho hiệu quả vẫn là vấn đề cần bàn.
Đà Nẵng sẽ có hệ thống xe buýt đưa đón học sinh. Ảnh: KIM NGÂN |
Tiện lợi, an toàn
Tính đến cuối năm học 2015-2016, số lượng học sinh ở các cấp, bậc học tại Đà Nẵng đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lứa tuổi nhà trẻ có hơn 13.700 cháu (tăng hơn 1.100 trẻ so với năm trước), lứa tuổi mẫu giáo là khoảng 41.800 trẻ (tăng so gần 4.000 trẻ)... Dự kiến, số lượng học sinh các cấp sẽ ngày càng tăng trong vài năm tới.
Trước tình hình đó, được sự đồng ý của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng (GD-ĐT) phối hợp với Sở Giao thông vận tải xây dựng các phương án thực hiện việc đưa đón học sinh bằng xe buýt và phương tiện công cộng.
Thực tế lâu nay tại Đà Nẵng, việc đưa đón học sinh bằng phương tiện công cộng đã được triển khai, nhưng chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ và hầu hết đều ở các trường tư thục như: Trường mầm non chất lượng cao ABC, Trường mầm non Đức Trí, Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky Line... và tại một số ít trường công lập như: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trường THCS Nguyễn Khuyến... Việc đưa đón học sinh thực hiện theo các tuyến cố định hoặc tại nhà.
Sky Line, một trong những đơn vị có lượng xe “hùng hậu” với hơn 5 chiếc (loại 29 và 16 chỗ) phục vụ đưa đón học sinh hằng ngày. Mức phí đưa đón tận nhà được tính theo km, tùy khoảng cách từ nhà học sinh đến địa điểm học (từ 1.385.000/tháng đối với khoảng cách dưới 3km, các địa điểm xa hơn sẽ có mức phí khác). Đại diện trường này cho biết, khoảng hơn 10% học sinh của trường sử dụng dịch vụ đưa đón. Dự kiến, năm học tới, số lượng học sinh sử dụng dịch vụ sẽ tăng, do các bậc cha mẹ bận rộn nên khó chở con đến trường sớm.
Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT cho biết: “Đẩy mạnh các tuyến xe buýt công cộng giúp hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu vi phạm và tai nạn giao thông; đồng thời khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc giao thông khi đô thị ngày càng phát triển”.
Nhiều phương án
Có 2 cô con gái đang học Trường tiểu học Trần Thị Lý và Trường THCS Lê Thánh Tôn, chị Nguyễn Thị Hương (40 tuổi, ở quận Hải Châu) cho biết: “Thật tốt nếu thành phố có xe buýt đưa đón học sinh. Sáng nào tôi cũng lo đưa các con đi học nên nhiều lúc đi làm muộn giờ”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, trên địa bàn thành phố đang có 2 loại hình xe đưa đón học sinh là xe nội bộ và xe hợp đồng. Trong đó, hình thức xe hợp đồng hiện nay chủ yếu là tự các hội, nhóm phụ huynh đứng ra liên kết với đơn vị vận tải, công tác quản lý do đó còn chưa chặt chẽ. Sở Giao thông vận tải đã cung cấp thông tin cho Sở GD-ĐT về các quy định hiện hành của Chính phủ đối với các loại hình vận tải, phân tích ưu, nhược điểm đối với từng loại hình.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, do đặc thù học sinh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phân theo tuyến, cự ly đi lại từ nhà đến trường ngắn, nên đề án do Sở GD-ĐT dự kiến xây dựng sẽ tập trung vào nhóm đối tượng học sinh THPT, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và một số trường điểm trên địa bàn. Theo đó, Sở Giao thông vận tải xây dựng các điểm dừng xe buýt đưa đón học sinh, ưu tiên gần trường. Đối với xe hợp đồng, giao các trường trình nhu cầu, gửi Sở GD-ĐT tổng hợp và đề xuất UBND thành phố hỗ trợ một phần kinh phí. Trên cơ sở đó sẽ giao các trường đứng ra ký hợp đồng với đơn vị vận tải để triển khai thực hiện, có thể đưa đón tại nhà hoặc các tuyến cố định.
KIM NGÂN