Đà Nẵng cuối tuần
Nhẹ tênh lễ ra trường
Dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển đại học năm nay được đánh giá là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những kỳ thi của các năm trước; thí sinh không phải trải qua hàng loạt “cửa ải” để vào được giảng đường đại học; tuy nhiên, việc trở thành một tân sinh viên chưa bao giờ là chuyện dễ dàng đối với mỗi học sinh. 12 năm đèn sách, bao nỗ lực đều đổ dồn cho ngày trở thành một sinh viên đường đường bước vào chân trời đại học. Trường đại học ngày một nhiều lên, nhưng thử thách khó khăn nhất đối với mỗi học sinh vẫn là đậu đại học. Đằng sau những cố gắng của các em còn là niềm tin, hy vọng và bao công lao “trường kỳ kháng chiến” của ông bà, cha mẹ.
Vào được đại học, nhất là đại học chính quy, ở những ngành đòi hỏi điểm đầu vào cao ngất ngưởng là niềm vinh dự của mỗi học sinh và gia đình, có khi còn là vinh dự của cả họ tộc, làng xã. Ra khỏi đại học, tức hoàn thành tốt nghiệp trơn tru, đáng ra càng phải vẻ vang hơn nhiều. Thế nhưng, trái ngược với sự nhọc nhằn khi vào đại học, ngày ra trường thường “nhẹ tênh” với chẳng mấy chút đọng lại ngoài chuyện lưu được tấm bằng.
Liếc qua sân trường nào đó, thấy mấy anh “phó nháy” chộn rộn làm việc, đám sinh viên lao nhao “tự sướng” trong bộ áo cử nhân vừa… thuê vội, biết ngay trường đó đang tổ chức lễ ra trường và trao bằng tốt nghiệp. Lễ ra trường ở nhiều trường đại học hiện nay chẳng khác nào lễ bế giảng năm học. Nếu có gì đó khác chăng, chẳng qua chỉ là ngoài phần xếp hàng chờ nhận thưởng, còn có xếp hàng chờ nhận bằng.
Số lượng áo cử nhân của trường thường chỉ chiếm phần nhỏ so với số sinh viên ra trường đợt đó. Mặc áo cử nhân xuất hiện chớp nhoáng trên sân khấu chưa đủ “đã”, nên hầu hết sinh viên liền sau đó đều nháo nhào ra sân trường thuê thợ ảnh dạo chụp lại một tấm đàng hoàng để có cái treo trong nhà. Bên cạnh đó, các buổi lễ ra trường từ mười mấy năm trước cho đến bây giờ hầu như vẫn chưa thể “hiện đại” lên, khi cứ rập khuôn: văn nghệ - diễn văn - trao bằng và hết.
Lễ ra trường, hơn cả lễ kết thúc khóa học, phải là buổi lễ cho sự bắt đầu đối với tân cử nhân. Đó thực sự là ngày trọng đại trên quãng đời đi học, là lúc mỗi sinh viên cảm thấy tự tin nhất với hai chữ “trưởng thành”, là lúc kết thúc một hành trình và bắt đầu một hành trình mới mẻ khác. Thế nên, hãy dành khoảnh khắc đặc biệt này cho những “nhân vật chính” được trải lòng với nhau, với giảng viên, nhà trường. Và đó cũng là thời khắc đầy giá trị để trường tiếp thêm nguồn động viên cho sinh viên của mình bằng những bài nói chuyện mang tính truyền cảm hứng.
Ngày ra trường không chỉ có ý nghĩa đối với sinh viên, mà còn đặc biệt quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Hai mươi mấy năm vun vén cho con, không gì hạnh phúc hơn khi cha mẹ được chứng kiến con nhận lấy tấm bằng danh giá. Thế nhưng, có mấy ông bố, bà mẹ Việt Nam từng được trường đại học của con trân trọng gửi giấy mời dự lễ ra trường? Nhiều người chẳng hề hay biết con mình ra trường ngày nào, nếu như đứa con đó không chịu thông báo. Hội trường thì rộng thênh thang, nhưng ghế dành cho phụ huynh thì luôn rất hữu hạn, nên may ra chỉ có các vị đại diện hội phụ huynh mới được góp mặt trong sự kiện này.
Tôi vừa được dự buổi lễ ra trường mầm non của con trai. Nhà trường gửi giấy mời tới từng phụ huynh. Ngày diễn ra buổi lễ, ngay từ cổng, phụ huynh đã được cô chủ nhiệm đón tiếp, chào mừng và gửi tận tay tấm hình chân dung khổ lớn của con mình trong chỉnh tề trang phục… cử nhân. Tấm hình được làm bằng chất liệu tốt, có thể treo lâu năm trong nhà, và đặc biệt phụ huynh không hề tốn đồng nào cho tấm hình đó. Đây được xem là món quà nhà trường muốn tặng các bé và bố mẹ trước lúc chia tay. Phụ huynh cũng không cần phân tâm quay phim, chụp ảnh buổi lễ, bởi ngày hôm sau, nhà trường sẽ gửi tất cả hình ảnh hoạt động của các con để cha mẹ tha hồ lưu làm kỷ niệm…
Dễ như vào mầm non, bởi nếu đến 5 tuổi trẻ vẫn chưa đi học thì sẽ được vận động ra lớp, nhưng ngày ra trường của các bé thực sự rất “trọng đại”. Khó như vào đại học, nhưng ngày ra trường của tân cử nhân lại không bằng buổi lễ ở một trường mầm non!
CHÍCH BÔNG