Giáo dục

Liên kết để giảm thí sinh "ảo"?

08:02, 29/08/2016 (GMT+7)

Trong bối cảnh nhiều trường đại học đang thiếu chỉ tiêu và phải tuyển bổ sung do số lượng thí sinh “ảo” quá nhiều, ông Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Các trường cần liên kết, tuyển sinh theo nhóm để giảm “ảo”.

Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng để đăng ký xét tuyển trong Ngày hội tuyển sinh 2016 do Đại học Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Thí sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng để đăng ký xét tuyển trong Ngày hội tuyển sinh 2016 do Đại học Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

* Công tác tuyển sinh năm nay như thế nào, thưa ông, đặc biệt đây là lần đầu tiên Đại học Đà Nẵng tổ chức tuyển sinh theo cụm?

- Nhìn chung, năm 2016, công tác tổ chức thi có cải tiến thuận lợi hơn cho học sinh, đề thi có sự phân hóa tốt hơn nên chất lượng bảo đảm hơn năm 2015. Công tác xét tuyển trong đợt 1 cơ bản giảm áp lực căng thẳng cho thí sinh và phụ huynh vì không phải rút ra - nhập vào như năm 2015. Công tác tuyển sinh năm nay cũng có nhiều điểm mới so với năm trước.

Cụ thể ở đợt 1, thí sinh được nộp 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng thay vì 1 trường 4 nguyện vọng như năm 2015. Đồng thời, thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký và các trường không công bố thông tin trong quá trình xét tuyển. Ngoài ra, sau khi trúng tuyển, thí sinh phải nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác định nhập học và trong đợt bổ sung, điểm chuẩn có thể bằng, cao hơn hoặc thấp hơn điểm chuẩn trước đó. Chính vì có các thay đổi như trên nên thí sinh không có thông tin trong quá trình xét tuyển, nhiều thí sinh trúng tuyển vào 2 trường gây nên tình trạng “ảo”, các trường phải hạ điểm nộp hồ sơ ở đợt bổ sung.

Đối với Đại học Đà Nẵng, tổ chức tuyển sinh nhóm là một trong các biện pháp chống “ảo” giữa các trường thành viên. Tuy nhiên, Đại học Đà Nẵng vẫn nằm trong bối cảnh chung là có lượng thí sinh “ảo” khi thí sinh đăng ký ngoài nhóm hoặc thí sinh trúng tuyển dựa trên xét học bạ.

* Hiện nay, hầu hết các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đều thiếu chỉ tiêu xét tuyển, trong khi trước đó số hồ sơ đăng ký cao hơn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu. Vì sao có số thí sinh “ảo” nhiều như vậy, có phải vì quy định xét tuyển chưa sát thực tế?

- Khách quan mà nói, trong nhiều năm nay, nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong công tác tuyển sinh là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, có lợi nhất đối với thí sinh, phụ huynh và xã hội. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu xã hội lại rất đa dạng, có lợi cho người này thì lại thiệt cho người khác, khó có một phương án hoàn hảo cho tất cả các bên.

Rõ ràng, “ảo” là vấn đề đã được dự báo ngay khi ban hành quy chế tuyển sinh 2016. Như đợt 1, mỗi thí sinh được chọn 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Khi có giấy báo trúng tuyển, thí sinh mới nộp giấy kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận học trường nào. Hơn nữa, trong số hơn 17.500 thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học Đà Nẵng, chỉ có hơn 6.000 thí sinh đăng ký nhóm. Như vậy, có đến hơn 11.300 thí sinh chỉ đăng ký vào 1 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng (chiếm gần 70%). Các thí sinh nếu trúng tuyển vào 2 trường thì chỉ chọn 1 trong 2 trường để nhập học, do đó gây ra tình trạng “ảo”. Tuy vậy, đối với các thí sinh đăng ký nhóm và trúng tuyển vào Đại học Đà Nẵng thì có 83% thí sinh diện này nhập học. Đây là con số khá cao, phát huy được ưu điểm của tuyển sinh nhóm. Một số thí sinh đăng ký nhóm trúng tuyển nhưng vẫn không nhập học có thể do các em du học nước ngoài, chọn trường khác xét tuyển bằng học bạ…

 * Dự kiến đợt xét tuyển bổ sung với nhiều nguyện vọng thì số thí sinh “ảo” sẽ cao hơn. Vậy làm sao để giải quyết tình trạng này và các trường có nên hạ điểm chuẩn để tiếp tục tuyển nữa nhằm bảo đảm chỉ tiêu?

- Đúng là lần bổ sung này, tình trạng “ảo” được dự báo sẽ cao hơn đợt 1 vì mỗi thí sinh được quyền chọn 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Chưa kể 1 thí sinh có thể vừa tham gia xét tuyển bằng điểm thi THPT quốc gia, vừa tham gia xét tuyển ở các trường chỉ sử dụng kết quả học bạ phổ thông. Với quy định như hiện nay thì việc thí sinh “ảo” là tất nhiên. Để tuyển đủ chỉ tiêu, các trường có thể hạ điểm chuẩn so với đợt 1. Tuy nhiên, vẫn có một số trường sẽ giữ điểm chuẩn để bảo đảm chất lượng tuyển sinh. Việc có hạ điểm xét tuyển so với đợt 1 hay không hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng hồ sơ và kết quả thi mà thí sinh nộp vào. Theo quy chế tuyển sinh năm 2016, Bộ Giáo dục-Đào tạo không cấm các trường lấy điểm thấp hơn so với đợt 1.

 * Theo ông, giải pháp cho tình trạng nhiều thí sinh “ảo” là gì? Năm sau, công tác tuyển sinh cần rút kinh nghiệm và khắc phục những điều gì?

- Theo tôi, tuyển sinh nhóm là một trong các giải pháp chống “ảo” hiệu quả. Tuy nhiên, do số nhóm năm nay quá ít (chỉ có 2 nhóm là GX và nhóm Đại học Đà Nẵng) nên các trường chưa thể liên kết tạo nhóm khiến tỷ lệ “ảo” cao. Ngoài ra, việc giáo dục định hướng nghề nghiệp thật sự quan trọng nên cần phải truyền thông đủ mạnh để giúp toàn xã hội nhận thức đúng hơn về thị trường lao động cũng như ý nghĩa của giáo dục phổ thông và đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học. Theo tôi, nếu các thí sinh yêu thích một môn học, một ngành nghề nào đó và có cơ hội học tập đúng thì sẽ trở thành người giỏi trong lĩnh vực đó. Thực tế, hiện nay thí sinh, phụ huynh cũng như những “người tư vấn” lựa chọn ngành “nóng” (dễ xin việc, thu nhập cao) ở thời buổi hiện tại nhưng chưa chắc vẫn “nóng” sau 4-5 năm sau khi tốt nghiệp. Để có được định hướng hiệu quả, cần có một chiến lược, hoạch định dài hạn về nguồn nhân lực.

* Xin cảm ơn ông.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng):

Về lâu dài, theo tôi, cũng cần phải có nghiên cứu cẩn thận, nghiêm túc để đề xuất giải pháp phù hợp và bền vững hơn; đồng thời có đánh giá tác động đối với các bên liên quan thật thận trọng và giám sát chặt chẽ. Tôi vẫn giữ quan điểm là: Bộ GD&ĐT tập trung ban hành chính sách, quản lý Nhà nước về GD&ĐT; giáo dục phổ thông là trách nhiệm của Sở GD&ĐT, trường phổ thông. Trường đại học phải chịu trách nhiệm từ tuyển sinh đến đào tạo cũng như chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo trước xã hội.

Không nên ghép 2 kỳ thi với 2 mục đích riêng thành 1. Tuy nhiên, trước mắt, nếu vẫn tiếp tục giữ kỳ thi “2 trong 1” thì công tác tuyển sinh cần phải khai thác triệt để giải pháp công nghệ để bảo đảm công bằng và tránh phiền phức cho xã hội. Tôi nghĩ, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông như hiện nay, kết hợp với giải pháp phân luồng thông tin sẽ thiết lập một “sàn giao dịch” trực tuyến về tuyển sinh, bảo đảm mọi thí sinh đều tiếp cận đủ thông tin để lựa chọn ngành nghề. Vẫn cho thí sinh rút ra - nhập vào nhưng tất cả bằng giao dịch trực tuyến, với sự trợ giúp của các bên, đặc biệt là đối với các vùng khó khăn.

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

.