Học sinh vùng biển miền Trung cần lắm sự hỗ trợ của các cấp, các ngành nhưng đến nay các địa phương này vẫn chưa có chính sách gì dành cho các em.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Tĩnh trao tặng sách của NXBGDVN cho các em học sinh (Ảnh: Nhân dân) |
Sự cố môi trường biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân ven biển Bắc Trung Bộ. Năm học mới đã đến, nhiều gia đình kinh tế khó khăn đang phải tính chuyện cho con nghỉ học giữa chừng.
Chỉ còn vài ngày nữa là em Nguyễn Thị Quỳnh, ở thôn Hà Tây, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị làm thủ tục nhập học Trường Đại học Sư phạm Huế. Ngày tựu trường đến gần, em càng lo vì không có tiền theo học.
Suốt 4 tháng qua, biển ô nhiễm, hải sản đánh bắt ít người mua, ba mẹ phải bỏ nghề biển đi làm thuê nuôi sống gia đình, Quỳnh cũng phải kiếm việc làm phụ giúp ba mẹ. Quỳnh còn có chị gái đang là sinh viên năm thứ 3 và 2 em nhỏ đang tuổi ăn học. Quỳnh đang tính chuyện xin bảo lưu kết quả để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.
"Việc đi biển của ba hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập cũng ít hơn bình thường, không còn như xưa nên việc chi tiêu trong gia đình cũng gặp nhiều trở ngại nên việc em sắp nhập học cũng hơi lo. Tiền ăn ở, đi lại và sách vở cũng gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn", Quỳnh cho biết.
Đối với ngư dân sống nhờ nghề biển thì sự cố cá chết hàng loạt xảy ra vừa qua gây ra nhiều thiệt hại nặng nề. Lo cái ăn, cái mặc trong lúc này đã khó, chuyện cho con ăn học lại càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình than thở, mọi nguồn hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức cá nhân từ thiện chỉ là nguồn động viên, an ủi. Hiện tại, cuộc sống ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn, ai cũng cần tiền, nhưng tiền bồi thường từ phía Công ty Formosa hứa chi trả vẫn chưa đến tay ngư dân.
"Chưa có lúc nào khó khăn như lúc này, bởi vì sống bằng nghề đi biển nên giờ chẳng biết làm gì cả nên khó khăn chồng chất khó khăn. Bây giờ con cái đáng lẽ ra học lớp 9, lớp 10 nhưng giờ khó khăn quá, con cái cũng dần dần bỏ học hết để đi làm ăn xa", ông Tuấn nói.
Ông Trần Thanh Văn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết, học sinh ven biển tỉnh Quảng Bình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển. Ngành giáo dục đang tập trung rà soát, nắm bắt từng hoàn cảnh cụ thể để đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ, không để các em bỏ học giữa chừng.
"Sở đã phối hợp với Nhà xuất bản giáo dục hỗ trợ 400 bộ sách giáo khoa cho các em học sinh vùng biển; Phối hợp với Công đoàn ngành giáo dục Quảng Bình trích quỹ “Tình thương đồng đội” nhằm hỗ trợ cho giáo viên có chồng con là ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có những chính sách cụ thể giúp đỡ cho học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng biển", ông Văn cho biết.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng vừa đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục hỗ trợ 400 bộ sách từ lớp 1 đến lớp 12 tặng học sinh vùng biển khó khăn. Về chính sách không thu học phí năm học 2016- 2017 đối với học sinh vùng biển bị ảnh hưởng vẫn phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Theo ông Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, vấn đề này đã được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau nên tỉnh Quảng Trị chưa có quyết định cụ thể nào hỗ trợ cho học sinh vùng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Còn ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, chính sách hỗ trợ học sinh con em ngư dân bị ảnh hưởng do môi trường biển bị ô nhiễm đang được xem xét trên cơ sở của Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các Trường Đại học trên địa bàn có chính sách miễn hoặc giảm học phí và các khoản thu khác đối với các sinh viên vùng bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Năm học mới này, nhiều học sinh, sinh viên con em ngư dân vùng biển Bắc miền Trung có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng. Hơn lúc nào hết, các em rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của các ngành, các cấp, giúp các em theo đuổi ước mơ học hành.
Theo Nhóm PV/ VOV