.

Nỗi niềm học trò nghèo miền núi

.

Về xã miền núi Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, chúng tôi được nghe biết bao câu chuyện về cuộc sống của những học trò nghèo ham học.

Học trò miền núi đến trường thiếu trước hụt sau nhưng nhiều em vẫn rất mê “con chữ”.
Học trò miền núi đến trường thiếu trước hụt sau nhưng nhiều em vẫn rất mê “con chữ”.

Đây là năm đầu tiên Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc) tổ chức bán trú cho học sinh theo nghị quyết của xã. Năm học 2016-2017, chính quyền xã Hòa Bắc đã tạo điều kiện cho nhà trường xây dựng khu bán trú với nguồn kinh phí xã hội hóa. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hội đoàn thể cũng giúp đỡ vật chất và tinh thần cho nhà trường bằng việc tặng quần áo, sách vở, trang thiết bị, đồ dùng học tập, thực phẩm...

Riêng 85 em học sinh đồng bào dân tộc Cơtu được nhà trường mua sắm sách vở. Điều này giúp các gia đình yên tâm hơn trong công việc khi không phải đưa đón con em đến trường nhiều lần. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, không ít em muốn ở lại học bán trú nhưng vì chưa có tiền đóng nên có thể các em phải về nhà “có gì ăn nấy”.

Nói về những khó khăn trong những ngày đầu năm học này, thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đến tận ngày 1-9, nhiều phụ huynh vẫn không cho con em đến nhập trường bởi chưa kịp mua quần áo và sách vở. Nhà trường phải đi kêu gọi, động viên các em; đồng thời ứng trước khoản phụ cấp hằng tháng dành cho các trường hợp thuộc diện dân tộc thiểu số để mua những đồ dùng cần thiết ban đầu.

Đối với những em vừa mới bước vào lớp 1 chưa quen cái chữ và bỡ ngỡ với trường lớp, các thầy cô vừa làm nhiệm vụ nhà giáo vừa như người thân bên cạnh để dỗ dành. Các em còn phải học song song 3 ngôn ngữ (tiếng bản địa, tiếng Việt, tiếng Anh) và rồi lúc nhớ, lúc quên... Phải có sự nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò mới giúp các em tiến bộ được.

Thầy Thọ cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện cho học sinh vùng cao bắt kịp chương trình học chính khóa, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo miễn phí cho các em. Tuy nhiên, học sinh miền núi ngày hè thường ở nhà giúp đỡ cha mẹ đi hái củi, chăn trâu bò... nên việc đến lớp có lúc vẫn chưa thật đều đặn.
Trưa nắng, chúng tôi tìm về nhà em Đinh Văn Huấn (học sinh lớp 4/4, Trường tiểu học Hòa Bắc, nhà ở thôn Tà Lang).

Tiếp khách lạ, người đàn ông khi nghe hỏi về Huấn thì trả lời một tràng tiếng Cơtu với vẻ mặt không bằng lòng. Huấn thổ lộ, em không học bán trú vì nhà không có tiền để đóng “một cục”, với lại tranh thủ giờ nghỉ trưa em chạy ra suối bắt cá làm thức ăn cho cả nhà.

Ba em bị bệnh tâm lý không bình thường, 3 anh em Huấn ăn học đều phải trông chờ vào thu nhập làm rẫy của mẹ. Nhiều buổi sáng đi học, em nhịn đói đi bộ vài cây số tới trường. Ấy vậy mà ngày mưa cũng như nắng, em không bỏ buổi nào và năm nào cũng là học sinh giỏi.  

Có tận mắt chứng kiến gia cảnh và cuộc sống hằng ngày của các học trò ở đây mới thấy hết những nỗi niềm cần chia sẻ. Trong câu chuyện với em Bùi Thị Như Quỳnh (nhà ở thôn Giàn Bí, học sinh lớp 3/3, Trường tiểu học Hòa Bắc), chúng tôi không khỏi xúc động bởi hoàn cảnh đáng thương. Trên khuôn mặt bé nhỏ với mái tóc khét mùi nắng, em hồn nhiên chuyện trò và rất lễ phép với người lạ. Cách nói chuyện của em cũng “già” hơn bạn bè cùng trang lứa: “Con rất thích đi học và ước mơ sau này trở thành Công an để bảo vệ mọi người. Hồi trước nhà con có mấy con bò để chăn nhưng chừ bán hết để chữa bệnh cho mẹ”.

Ở khu vực này, không ai không biết hoàn cảnh khó nhọc của Quỳnh. Không có cha, một mình mẹ em lo cho 3 con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Rồi mẹ em phát điên và được đưa xuống Bệnh viện Tâm thần chữa trị nhưng không có tiền để đóng tiền ăn mặc dù được miễn phí thuốc men, nên lại đưa về. Có hôm đoàn từ thiện lên phát bánh mì cho người dân, người phụ nữ này lấy bánh mì xé nát cho vào nồi rồi bỏ nước và dầu rửa chén khuấy đều lên cho con ăn. Những đứa trẻ đi học về bụng đói cứ thế bưng lên húp xong mới biết đây là món canh có nước rửa chén.

Chia tay chúng tôi, Quỳnh nói: “Con thương mẹ nhất. Nhà con như vậy nhưng con vẫn quyết tâm học tới cùng và chỉ biết cứ tiếp tục học thôi. Con mơ ước sau này học xong sẽ đi làm lấy tiền giúp mẹ...”. Dù thiếu thốn đủ bề nhưng suốt những năm tháng sống bên người mẹ luôn xé sách vở của con, Quỳnh vẫn là một học sinh giỏi đáng khâm phục.

Mỗi học trò một hoàn cảnh hết sức đặc biệt, nhưng trong ánh mắt các em luôn rực sáng niềm ham học. Như thầy Nguyễn Thọ chia sẻ: “Với học trò nghèo nơi đây, học là chìa khóa mở cánh cửa tương lai. Nhà trường cũng tự hào và vui mừng khi thấy nhiều em đồng bào dân tộc Cơtu ở Hòa Bắc học tập đến nơi đến chốn”. Có em đã trở thành giáo viên của trường như em Nguyễn Thị Hồng Luyến (thôn Tà Lang), em Bùi Thị Minh Hồng (thôn Giàn Bí).

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.