Trả lời báo chí về phương án thi năm 2017, tại buổi họp báo chiều 4-9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT có một tổ công tác bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục có kinh nghiệm rà soát một cách kỹ lưỡng phương án thi THPT quốc gia năm 2016 xem những điều gì hợp lý và chưa hợp lý; đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận xã hội và lấy ý kiến trực tiếp từ các Sở GD&ĐT, trường ĐH, CĐ. Việc rà soát và lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân được tiến hành bài bản.
Theo Dự thảo tóm tắt đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT vừa báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ năm sau, kỳ thi THPT quốc gia và việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ sẽ có một số thay đổi.
Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do các Sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ chỉ giữ vai trò giám sát. Vì thế, cả nước chỉ có một loại cụm thi (chứ không có 2 cụm thi tốt nghiệp và ĐH như hiện nay). Để dự thi, thí sinh (TS) hệ THPT sẽ làm 5 bài thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh), Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân); TS hệ GDTX làm 4 bài (bớt đi bài ngoại ngữ). TS thi trong một ngày rưỡi: Ngày thứ nhất buổi sáng thi Văn, Ngoại ngữ; chiều thi Khoa học tự nhiên; ngày thứ hai buổi sáng thi Toán và Khoa học xã hội.
Trừ Văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với bài trắc nghiệm, trừ Ngoại ngữ có 40 câu hỏi và thời gian làm bài 60 phút, các bài còn lại có 50 câu và thời gian làm bài 90 phút.
Phương án thi như trên sẽ được thực hiện ổn định từ năm 2017 - 2019. Nhưng nội dung thi sẽ có sự thay đổi theo lộ trình, theo đó năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12, năm 2018 lớp 11 và 12, năm 2019 trở đi nội dung thi gồm chương trình cả 3 lớp 10, 11, 12.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, từ năm 2017 các trường ĐH, CĐ xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức sau: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT (1); Dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia (2); Sơ tuyển kết hợp với thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (3); Xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác (4).
Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của trường ĐH, CĐ sẽ không còn. Kỳ thi sẽ chỉ do Sở GD&ĐT với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức khảo thí độc lập. Số bài thi giảm xuống còn 3 bài (môn Toán được gộp vào bài thi Khoa học tự nhiên, Văn được gộp vào bài thi Khoa học xã hội) và đều thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Ngoại ngữ sẽ hướng tới đánh giá cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và có thể thi liên tục trong năm. Mỗi thí sinh sẽ làm cả 3 bài thi trong một ngày nào đó của tháng 6 và không phải thi đồng loạt trên cả nước (mỗi địa phương sẽ tự chọn ngày phù hợp cho mình).
Việc xét công nhận tốt nghiệp do Sở GD&ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm sau: 70% điểm từ 3 bài thi + 30% điểm từ trung bình kết quả học tập THPT (Tỷ lệ này ở các năm như sau: 2017: 50% + 50%; 2018: 60% + 40%; 2019: 70%+30%).
Theo VOV.VN