Giáo dục

ĐƯA ĐÓN HỌC SINH BẰNG XE BUÝT VÀ XÃ HỘI HÓA SÂN THỂ THAO

Còn nhiều khó khăn

08:05, 19/10/2016 (GMT+7)

Thông tin về việc Đà Nẵng triển khai đưa đón học sinh bằng xe buýt và xã hội hóa sân thể thao trong trường học đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, việc triển khai như thế nào, gỡ khó trong tình hình hiện nay ra sao đã được đề cập đến tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì chiều 18-10.

Học sinh cần có sân thể thao, bể bơi để rèn luyện thể lực, kỹ năng cần thiết. TRONG ẢNH: Học sinh học bơi tại bể bơi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.    Ảnh: KIM NGÂN
Học sinh cần có sân thể thao, bể bơi để rèn luyện thể lực, kỹ năng cần thiết. TRONG ẢNH: Học sinh học bơi tại bể bơi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: KIM NGÂN

Thí điểm việc đưa đón học sinh bằng xe buýt

Ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết thực tế hiện nay, việc triển khai đưa đón học sinh bằng xe buýt còn nhiều khó khăn như: hầu hết hệ thống xe buýt đã đưa vào sử dụng quá lâu, không có hệ thống điều hòa, không có hệ thống thông báo lộ trình và thông tin thời gian đi, đến. “Nhìn bên ngoài thì việc di chuyển bằng xe buýt chưa có sức hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Các em chưa có thói quen di chuyển trong thành phố bằng phương tiện xe buýt”, ông Hân nói

Hiện nay, tại một số đơn vị, trường học, việc đưa đón học sinh, sinh viên bằng phương tiện vận tải đã được triển khai, nhưng chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ và hầu hết đều ở các trường tư thục và tại một số ít trường công lập. Việc đưa đón học sinh chủ yếu thực hiện bằng xe nội bộ hoặc xe hợp đồng, thực hiện theo các tuyến cố định hoặc tại nhà. Trên địa bàn thành phố đang có 2 loại hình xe đưa đón học sinh là xe nội bộ và xe hợp đồng. Trong đó, hình thức xe hợp đồng hiện nay chủ yếu là tự các hội, nhóm phụ huynh đứng ra liên kết với đơn vị vận tải nên công tác quản lý chưa chặt chẽ, khoa học. Theo nhiều ý kiến, thực tế đặc thù học sinh các cấp học mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được phân theo tuyến, cự ly đi lại từ nhà đến trường ngắn, nên chỉ có một nhóm nhỏ có nhu cầu đi lại bằng xe buýt.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng chỉ nên làm thí điểm việc đưa đón học sinh bằng xe buýt và sau khi xem xét tính hiệu quả thì mới nhân rộng. “Chúng ta phải tính toán nhiều mặt, đặc biệt là hạn chế những bất cập trong việc di chuyển bằng hệ thống xe buýt hiện nay như điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo, giờ giấc chưa chính xác trong khi học sinh vào lớp phải đúng giờ”, Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nói.

Theo đó, để làm được phải có sự đồng thuận từ phụ huynh học sinh; tính toán giá thành hợp lý khi di chuyển bằng xe buýt đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Hiện nay, thành phố đã có chính sách trợ giá cho học sinh, sinh viên đi xe buýt từ năm 2015 đến năm 2020. Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng nhấn mạnh phải nâng cao chất lượng các dịch vụ kèm theo và đảm bảo độ an toàn khi đưa đón học sinh bằng xe buýt; đồng thời có chế độ ưu đãi dành riêng cho gia đình nghèo, khó khăn và việc triển khai tập trung vào khối THPT để nhằm hạn chế việc học sinh đi xe máy đến trường.

Phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết hiện việc áp dụng các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư, liên doanh liên kết đều không thể thực hiện được do các quy định của pháp luật hiện hành. “Nhu cầu sử dụng sân thể thao trong trường học là rất lớn. Các em cần được chơi thể thao nhiều hơn để rèn luyện sức khỏe, cải thiện chiều cao. Trong khi ngân sách chưa thể đáp ứng hết mà các nhà đầu tư lại sẵn sàng hợp tác thì lại vướng cơ chế, thủ tục”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói. Theo ông Vĩnh, nếu được đầu tư thì sân thể thao sẽ gồm nhiều môn học trong trường theo từng cấp học. Nhà trường hoàn toàn được sử dụng trong giờ học và một số hoạt động nhất định. Nhà đầu tư chỉ được khai thác ngoài giờ học. Sau khoảng thời gian đầu tư, thu hồi vốn thì nhà đầu tư phải bàn giao tài sản cho nhà trường để đấu giá, đầu thầu theo quy định.

Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết trên địa bàn có một nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra tiền tỷ để xây dựng bể bơi trong trường học. Tuy nhiên, đã nhiều tháng rồi vẫn chưa thể thực hiện được do chưa đủ điều kiện, chưa đáp ứng được các thủ tục.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở Tài chính phải giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư thật nhanh, gọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Sở Tài chính phải chịu trách nhiệm về việc này và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết nhằm có nhiều sân thể thao cho các em được tập luyện, nhất là trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.

PHƯƠNG TRÀ

.