Giáo dục
Chính xác và thuận lợi hơn
Đà Nẵng đang bắt đầu triển khai Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh tiểu học (bổ sung, hoàn thiện Thông tư 30). Theo ghi nhận, việc đánh giá học sinh tiểu học nhờ đó thuận lợi và nhẹ nhàng hơn.
Việc áp dụng Thông tư 22 giúp giáo viên giảm tải nỗi lo hoàn thành nhiều loại sổ sách. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn. |
Thầy Nguyễn Đắc Nhơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quang Sung (quận Thanh Khê) cho biết, nếu trước đây giáo viên phải có sổ theo dõi chất lượng giáo dục và ghi chép khá nhiều thì nay chỉ cần nhận xét miệng và ghi vào sổ tay riêng của giáo viên (nhà trường không kiểm tra loại sổ này) đồng thời ghi vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục cuối kỳ.
Sau một tuần thực hiện Thông tư 22, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường tiểu học Lê Quang Sung cho biết: “Việc không phải ghi chép, đánh giá nhiều bằng sổ sách sẽ giúp thầy, cô có thêm thời gian quan tâm, hỗ trợ các em học tập. Chủ động trong theo dõi đánh giá cũng giúp giáo viên có thể lưu ý những học sinh còn yếu hoặc những em có khả năng vượt trội”.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan, giáo viên Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu) có chung quan điểm khi cho rằng áp dụng Thông tư 22 giảm thiểu cho giáo viên rất nhiều trong vấn đề viết sổ sách. Bên cạnh đó, nếu Thông tư 30 chỉ có 2 mức đánh giá học sinh (hoàn thành và chưa hoàn thành) nên không khơi dậy tinh thần phấn đấu và nỗ lực của các em thì Thông tư 22 khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. “Đánh giá học sinh theo 3 mức chính xác hơn và tạo động lực giúp các em nỗ lực vươn lên, cố gắng đạt mức cao hơn. Việc đánh giá được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ và cuối mỗi học kỳ. Qua đó, các em nhận ra những điểm còn thiếu về kiến thức, kỹ năng để phấn đấu; đồng thời chúng tôi cũng nhìn nhận lại quá trình giảng dạy để có điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt hiệu quả cao hơn”, cô Loan nói.
Thông tư 22 còn quy định khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập, rèn luyện và học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá. Theo cô Ngô Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, dựa trên quy định này, giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong việc khen thưởng học sinh và cũng không tạo áp lực nhiều cho phụ huynh, học sinh về mặt thành tích.
Tuy nhiên, theo cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu), bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, việc triển khai Thông tư 22 còn không ít những băn khoăn. “Thực tế vẫn cần giảm tải thêm nhiều loại sổ sách, nhất là đối với giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, tăng bài kiểm tra giữa kỳ đối với khối 4 và 5 với 2 môn Toán và Tiếng Việt như Thông tư 22 khiến giáo viên thêm vất vả”, cô Lan cho hay
Theo bà Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, do đặc thù học sinh lớp 4, lớp 5 phải học lượng kiến thức nhiều hơn lớp 1, 2, 3, nên trong phần đánh giá mới cũng có những yêu cầu cụ thể hơn, đó là có thêm bài kiểm tra giữa kỳ một và giữa kỳ hai với môn Toán, Tiếng Việt để giúp các em tiếp cận yêu cầu kiến thức của bậc THCS. Bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân, không dùng để so sánh em này với em khác. Việc có thêm bài kiểm tra cũng sẽ là cơ sở bổ sung trong quá trình đánh giá học sinh.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ