Đà Nẵng cuối tuần
Cần tích cực thay đổi
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng tích hợp, trong đó có tích hợp kiến thức môn Lịch sử với các môn khoa học xã hội khác đặt ra những thay đổi cần thiết trong việc giảng dạy môn Lịch sử ở các trường đại học - nơi được xem là cái nôi đào tạo đội ngũ thầy, cô giáo tương lai.
Sinh viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chụp ảnh lưu niệm tại Làng Sen quê Bác. |
Cơ hội việc làm quyết định “lửa” trong sinh viên
Đoạt giải nhất môn Lịch sử Văn minh thế giới tại kỳ thi Sinh viên giỏi ĐH Đà Nẵng năm học 2015-2016, N.T.P, sinh viên (SV) lớp 12SLS, khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ mình đam mê môn Lịch sử từ những năm THCS. Vào đại học, có điều kiện tiếp xúc với các nguồn tài liệu, sách, tạp chí, tình yêu dành cho lịch sử càng thêm sâu nặng.
Tuy nhiên, cũng như nhiều bạn bè, P. lo lắng làm thế nào để xin được một công việc đúng chuyên ngành sau khi ra trường. P. trăn trở: “Trước đây em nghĩ, những người có kiến thức, chuyên môn giỏi sẽ dễ dàng có một công việc tốt, đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, không ít anh chị ra trường gần 5 năm vẫn thất nghiệp hoặc chưa có việc làm ổn định. Có lẽ học Lịch sử là cơ duyên, nhưng để có được công việc tốt cần sự may mắn và biết nắm bắt cơ hội”.
Không chỉ SV tốt nghiệp ngành sư phạm mới lo lắng về công việc sau khi ra trường. Nhiều năm giảng dạy tại Khoa Lịch sử, PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) nói trước đây, cử nhân khoa học tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử vẫn có thể đứng trên bục giảng nếu đã học qua lớp Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm trong thời gian 3 tháng.
Bằng chứng là, hiện nay có trên 50 SV tốt nghiệp khóa K27 Trường ĐH Khoa học năm học 2006-2007 công tác trong ngành giáo dục, số còn lại làm việc trong các lĩnh vực du lịch, tuyên giáo, bảo tàng, báo chí, quân đội hoặc phục vụ trong ngành tòa án hoặc công an. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1090/QĐ-BGDĐT tạm dừng bồi dưỡng, cấp Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp ĐH muốn trở thành giáo viên thì cánh cửa vào đời của SV ngành Lịch sử ngày càng hẹp lại.
Cơ hội việc làm sau khi ra trường vô tình trở thành “rào cản” cho niềm say mê học và dạy Lịch sử ở cấp phổ thông lẫn đại học. Học sinh ít chọn môn Lịch sử để thi, SV học ngành Lịch sử không xác định được mình sẽ làm gì sau khi ra trường. Thực tế này cũng được đưa ra phân tích, mổ xẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia “Dạy học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam” diễn ra ở Đà Nẵng năm 2015.
Một giáo viên đang công tác tại quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ cho người viết nội dung bức thư điện tử học trò gửi hè năm ngoái: “Thưa cô, em đăng ký thi vào ngành Báo chí nhưng không đủ điểm nên rơi xuống nguyện vọng 2 vào ngành Lịch sử. Lúc đầu, em để Lịch sử là ngành nguyện vọng vì thầy cô tư vấn nói ngành đó an toàn, điểm thấp.
Phòng Đào tạo cho biết năm nay trường hợp như em rất nhiều và bảo cứ cố gắng học tốt cái mình đỗ, lỡ sau này lại thích, hoặc thi ngành khác không đậu thì phí. Tuy nhiên nghe em kể học ngành Lịch sử, ai cũng bảo “học ngành đó ra trường làm gì, dễ thất nghiệp như chơi” khiến em nản quá”. Là giáo viên dạy môn Lịch sử, nhưng cô đã rất khó đưa ra lời khuyên thỏa đáng cho học trò bởi cơ hội việc làm ít là điều có thật, và cũng bởi người gửi thư là một cô bé học rất khá môn Lịch sử.
Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đào tạo hơn 30 khóa cao đẳng, đại học với trên 1.500 SV. Trong quá trình đào tạo, SV được trang bị các tri thức khoa học, rèn luyện kỹ năng sư phạm, tham gia 2 đợt thực tập, thực tế tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh…
ThS. Nguyễn Mạnh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử cho biết, để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện cho SV khi ra trường có thêm kỹ năng, kiến thức hỗ trợ ngoài chương trình, nhà trường luôn khuyến khích SV mạnh dạn tham gia nghiên cứu khoa học, sinh hoạt các CLB Sử học, dành thời gian tham gia các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học liên quan đến lĩnh vực Sử học.
Sinh viên khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) trong một chuyến đi thực tế đến với bà con Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị. |
Đào tạo thế nào cho phù hợp?
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, nhà giáo, hiện nay việc dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa thực sự tạo hứng thú cho cả người dạy lẫn người học. Phương pháp dạy học môn Lịch sử của giáo viên nặng về truyền thụ kiến thức, học sinh nặng về học thuộc lòng kiến thức để đối phó với thi cử, kiểm tra mà chưa chú trọng đến việc phát triển năng lực, tư duy của người học.
PGS.TS Đặng Văn Hồ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng tích hợp, trong đó có vấn đề tích hợp kiến thức môn Lịch sử với các môn khoa học xã hội khác như Địa lý, Giáo dục công dân... là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục thế giới.
Theo PGS.TS Đặng Văn Hồ, lâu nay ở cấp tiểu học và THCS đã tổ chức dạy học theo hướng tích hợp. Đơn cử, các lớp 1, 2, 3 có môn học “Tự nhiên xã hội” và lớp 4, 5 đã tích hợp kiến thức lịch sử - địa lý. Ở cấp THCS có chủ trương đào tạo liên thông 2 môn Sử - Địa. Cấp THPT khi giảng dạy về lịch sử Việt Nam có liên hệ lịch sử thế giới và ngược lại (đây là dạng tích hợp ở một môn - tích hợp nội môn) và khi giảng lịch sử đã sử dụng tri thức địa lý văn học để làm rõ tri thức lịch sử (đây là dạng tích hợp đa môn)…
Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ yêu cầu dạy học tích hợp theo mức độ từ thấp lên cao, như tích hợp lồng ghép, tích hợp trong một môn học (tích hợp nội môn), tích hợp đa môn, tích hợp liên môn, tích hợp xuyên môn đòi hỏi phải có quyết tâm và lộ trình hợp lý. Trong đó, cần chú ý đến việc thiết kế chương trình dạy học theo hướng tích hợp cho giáo dục bậc phổ thông và giáo dục bậc đại học, nhất là ở các trường ĐH Sư phạm.
Việc tổ chức dạy học theo hướng tích hợp cũng đặt ra những yêu cầu về cách biên soạn sách giáo khoa mới theo chương trình đã được thẩm định. Khá đông đại biểu tham gia Hội thảo “Dạy học tích hợp môn Lịch sử” được tổ chức ngày 6-10-2016 tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nói, để chuẩn bị tốt cho việc giảng dạy tích hợp môn Lịch sử với các môn khoa học xã hội khác cần có những khóa bồi dưỡng cho giáo viên về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới.
Việc này nhằm đáp ứng ngay yêu cầu dạy tích hợp trong lúc chờ đợi “sản phẩm đào tạo” từ các trường sư phạm. Bên cạnh đó, cần thiết phải biên soạn ngân hàng đề thi (tự luận và trắc nghiệm) để kiểm tra kiến thức dạy học các môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên theo hướng tích hợp nhằm phát triển năng lực học sinh. Để đáp ứng nhu cầu thực tế, các giải pháp nói trên cần tiến hành chặt chẽ và có lộ trình cụ thể, không nên chắp vá, đốt cháy giai đoạn.
Xoay quanh vấn đề dạy và học môn Lịch sử, vai trò của người thầy được nhiều người nhắc đến. PGS.TS Đặng Văn Hồ cho biết, thực tế hiện nay nhiều học sinh ít thích học các môn thuộc ngành khoa học xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân một phần là do giáo viên dạy chưa hấp dẫn, chưa có phương pháp khoa học và chưa có ý thức “truyền lửa”.
Để khắc phục điều này đòi hỏi phải có sự đầu tư và điều chỉnh từ nhiều hướng, trong đó có công tác giảng dạy tại các trường sư phạm, nơi được xem là cái nôi đào tạo đội ngũ thầy, cô giáo tương lai. Ngoài ra, cần có lộ trình tăng lương cho giáo viên một cách hợp lý để họ đủ sống và toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
TIỂU YẾN