Giáo dục
Bàn ghế học sinh: Vừa cũ, vừa không phù hợp
Hiện nay, bàn ghế tại nhiều trường đã cũ, hư hỏng, kích cỡ lại không phù hợp với học sinh nhưng chưa được thay thế. Đây cũng là vấn đề được nêu tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng lần thứ 3 vừa qua.
Bàn ghế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến việc học tập và sức khỏe của học sinh. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hải Châu (ảnh mang tính minh họa). |
Cũ và không phù hợp
Nằm ở quận Hải Châu - trung tâm thành phố, Trường tiểu học Lê Quý Đôn hiện có hơn 900 học sinh ở tất cả các khối lớp. Cô Ngô Thị Lệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường có gần 500 bộ bàn ghế nhưng phần lớn đã cũ, có từ gần 20 năm nay và hầu hết đều không phù hợp.
“Vì bàn ghế quá cũ nên mặc dù kinh phí eo hẹp, nhà trường cũng vừa đầu tư thay mới 180 bộ để các em ngồi học. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 300 bộ bàn ghế đang chờ được sửa chữa, thay mới”, cô Lệ nói.
Còn tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu), cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bàn ghế của trường được trang bị cách đây hơn 10 năm và hiện nay nhiều bộ đã hư hỏng. Hầu hết bàn ghế cho các khối lớp đều chung một kích cỡ nên học sinh với chiều cao khác nhau nhưng phải ngồi bàn giống nhau. Địa phương có hỗ trợ bổ sung trang thiết bị dạy học nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bàn ghế học sinh tại một số trường THCS, THPT cũng không tốt hơn là mấy. Tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (quận Thanh Khê), thầy Tống Xuân Đa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 5 phòng học với 120 bộ bàn ghế phục vụ nhu cầu học tập của hơn 200 học sinh ở các khối lớp.
“Bàn ghế của trường được trang bị cách đây gần 20 năm. Hằng năm, chúng tôi đều trích kinh phí của trường để mua thêm, thay thế dần những bộ đã cũ, hư hỏng nhưng kinh phí eo hẹp nên chưa bổ sung được nhiều”, thầy Đa cho hay.
Sẽ đầu tư, sửa chữa trong năm học đến
Theo thống kê từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, năm học 2016-2017, thành phố có hơn 238.000 học sinh ở tất cả các bậc học. Đà Nẵng đã đầu tư phòng học ngoại ngữ hơn 5 tỷ đồng, phòng học bộ môn với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường cần được bổ sung, sửa chữa bàn ghế, trang bị thêm phương tiện dạy học. Trong khi chờ kinh phí hỗ trợ, một số trường tự “cải tạo” như đóng nối thêm chân bàn ghế, sửa chữa để phù hợp với từng độ tuổi học sinh.
Tuy nhiên, theo cô Ngô Thị Lệ, thay vì trang bị bàn ghế khác nhau cho từng khối lớp, nên sử dụng loại bàn ghế có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với từng học sinh vì chiều cao của các em phát triển không đồng đều.
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trường phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho hay, hằng năm, ngành giáo dục quận dành 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục để bổ sung trang thiết bị, bàn ghế… cho các trường trên địa bàn.
Việc bổ sung trang thiết bị dạy học nói chung và bàn ghế nói riêng cũng sẽ được tiếp tục trong thời gian đến. Trong khi đó, theo ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, đơn vị đã chỉ đạo các trường đánh giá lại thực tế bàn ghế cũng như các trang thiết bị khác để bổ sung thay thế.
Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính thuộc Sở GD&ĐT cho biết, thành phố đã phê duyệt hơn 41 tỷ đồng đầu tư thiết bị, bàn ghế cho học sinh trên địa bàn thành phố. Trong đó, 5,1 tỷ đồng dành cho cấp THPT, còn lại được phân cấp về các địa phương để trang bị cho cấp tiểu học và THCS. Việc trang bị bao nhiêu, như thế nào cũng sẽ được xem xét trong thời gian đến.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ