.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC:

Xây dựng Đại học Đà Nẵng chất lượng, phục vụ cộng đồng, chuyên nghiệp, hiệu quả, sáng tạo, thân thiện

.

* Chấm dứt quy hoạch “treo”, sớm hình thành đô thị đại học Đà Nẵng

Ngày 24-2, sau khi thăm, thị sát một số cơ sở của Đại học (ĐH) Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo nhà trường. Tham gia buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng hiệu trưởng các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng.                        								             Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện cùng hiệu trưởng các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh tự chủ đại học

Tại buổi làm việc, GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đến năm 2020, ĐH Đà Nẵng phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục phát triển theo hướng ĐH nghiên cứu, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực có chất lượng hàng đầu của Việt Nam và đến năm 2025 trở thành ĐH nghiên cứu. GS.TS Trần Văn Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT và Chính phủ cho khởi động lại dự án Làng ĐH Đà Nẵng, cho thành lập các trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Việt - Anh...

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho rằng, cần đẩy mạnh tự chủ ĐH, có thể dành một phần đất thương mại để ĐH Đà Nẵng khai thác trong quá trình tự chủ bù đắp cho nguồn vốn đầu tư phát triển. Thành phố chỉ lấy lại chi phí về giải phóng mặt bằng, còn lại để ĐH Đà Nẵng khai thác như một doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động.

Đồng thời, Đà Nẵng ủng hộ thành lập các trường: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Công nghệ thông tin, bởi cần tập trung, sử dụng nguồn tài nguyên chung về công nghệ thông tin để tạo ra những đột phá, bứt phá, kết hợp với hệ thống giáo dục của các cấp học ngay từ ban đầu. Về việc thành lập Trường ĐH Việt - Anh, thành phố sẽ tạo điều kiện về đất đai, kể cả nguồn ngân sách địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng ủng hộ ĐH Đà Nẵng thành lập thêm đơn vị thành viên và bản thân các trường này tự chủ, không nên trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Còn việc đổi mới tự chủ giáo dục ĐH như thế nào, câu trả lời chính từ các hiệu trưởng. Đó vừa là nhu cầu tự thân, vừa là cơ hội. Bộ trưởng cho rằng, phải đổi mới quản trị đại học, bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ ĐH không có nghĩa là không có ngân sách Nhà nước mà sẽ làm có lộ trình và cắt giảm dần nguồn kinh phí từ ngân sách. Nhiều nước ở châu Âu, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 80-90% kinh phí nhưng trường ĐH vẫn tự chủ.

“Giao toàn quyền cho ĐH Đà Nẵng không có nghĩa là không có ngân sách Nhà nước. Vẫn có ngân sách hỗ trợ nhưng phải cắt giảm ngân sách, đổi mới quy trình hỗ trợ. Có thể gia hạn hỗ trợ trong 5 năm tới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng trước, thứ hai, từ phải sang) thăm xưởng thực hành cơ khí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).  							      Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hàng trước, thứ hai, từ phải sang) thăm xưởng thực hành cơ khí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: TTXVN

Hình thành đô thị đại học

Nói về việc phát triển Làng ĐH, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng, việc phát triển một đô thị đại học là định hướng chiến lược. Năm 1997, Thủ tướng đã phê duyệt dự án Làng ĐH Đà Nẵng. Quảng Nam cũng đã kiến nghị nhiều lần với Trung ương về đẩy mạnh triển khai dự án này. Quảng Nam trong quy hoạch ở Làng ĐH có 190 hecta.

“Nếu thực hiện được dự án này, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ vô cùng phấn khởi chứ không riêng ĐH Đà Nẵng. 130 hecta tại Quảng Nam có thể giải tỏa sớm để bàn giao mặt bằng nếu được phân bổ kinh phí - dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng. Còn 60 hecta, mật độ dân quá dày, nếu khó quá thì tạm thời chưa giải tỏa. Khu vực thị xã Điện Bàn rất cần một khu đô thị ĐH như vậy mới có đà để phát triển kinh tế”, ông Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, hiện còn một số khó khăn, vướng mắc cần làm ngay. Đó là phải có dự án cụ thể được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và phương án giải phóng mặt bằng với kinh phí cụ thể; đồng thời có cơ chế huy động giữa địa phương và Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho rằng, về giải phóng mặt bằng phải làm dứt khoát, khẩn trương; cần định hình các nguồn lực đầu tư từ Đà Nẵng, Quảng Nam và Trung ương. Việc đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thì làm theo kiểu cuốn chiếu hoặc huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau.
Hướng đến tốp 50 ĐH nghiên cứu của Đông Nam Á

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương ĐH Đà Nẵng đã đi đúng hướng và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế lớn của miền Trung và cả nước.

Thủ tướng nói: “Tôi có đọc website của các đồng chí về sứ mệnh và tầm nhìn của các đồng chí. Tôi cũng hoan nghênh cách đặt vấn đề của các đồng chí. Sứ mệnh các đồng chí nêu ra là mang đến cơ hội và môi trường học tập, sáng tạo lý tưởng, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Sứ mệnh này rất tốt nhưng còn quá chung”.

Thủ tướng đề nghị ĐH Đà Nẵng cần thể hiện sứ mệnh bao trùm cả ba cấp độ, một là tầm địa phương, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hai là tầm quốc gia và ba là tầm khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á và quốc tế. “Một trường ĐH đi đầu đổi mới sáng tạo mà chỉ có ở trong khu vực mình, khu vực miền Trung - Tây Nguyên hay sao?”, Thủ tướng đặt vấn đề và gợi ý tầm nhìn với ĐH Đà Nẵng là phấn đấu trở thành môi trường giáo dục tiên tiến, hướng đến đẳng cấp thuộc tốp 50 ĐH nghiên cứu của Đông Nam Á vào năm 2035 dựa trên khả năng quy tụ những con người xuất sắc và sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục tri thức cơ bản với nghiên cứu ứng dụng thực tế, có tầm ảnh hưởng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao giá trị cốt lõi nêu trên website của ĐH Đà Nẵng với 4 nội dung: chất lượng, phục vụ cộng đồng, chuyên nghiệp và hiệu quả, sáng tạo và thân thiện. Thủ tướng đề nghị ĐH Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động cụ thể nhằm đạt các mục tiêu và tầm nhìn là đi đầu trong đổi mới sáng tạo; đồng thời cho rằng không chỉ riêng ĐH Đà Nẵng tự chủ mà các trường thành viên cũng thực hiện các bước tự chủ.

Chấm dứt quy hoạch “treo” 20 năm

Thăm và thị sát quy hoạch Dự án Làng ĐH Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm chấm dứt tình trạng “quy hoạch treo” 20 năm phát triển ĐH Đà Nẵng đã được phê duyệt. Thủ tướng đồng ý đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với ĐH Đà Nẵng, trước hết tập trung phương án đền bù giải phóng mặt bằng để sớm hình thành hình hài đô thị ĐH Đà Nẵng.

Vậy cơ chế nào để xây dựng đô thị ĐH Đà Nẵng? Thủ tướng cho rằng, việc thứ nhất là phải giữ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; thứ hai là nêu cao trách nhiệm các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng trong phát triển ĐH Đà Nẵng, trước hết là về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Điều đặc biệt là địa phương phải giữ nguyên trạng, tránh tình trạng “chưa mở rộng đã lấn chiếm”. Lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam cần sớm tổ chức chỉ đạo thực hiện việc này sau cuộc làm việc hôm nay như có thể ứng trước một khoản cần thiết từ ngân sách địa phương.

Được biết, năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng với diện tích 300ha, quy mô đào tạo 30.000 sinh viên. Trong đó, gần 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) và 110ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Đến thăm Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Lãnh đạo nhà trường có thể đảm nhận nếu được trao quyền tự chủ toàn diện hay không. Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Lê Kim Hùng cho biết, trường đang làm đề án tự chủ vào năm 2018 và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết. Thủ tướng mong muốn nhà trường phấn đấu đưa thương hiệu ĐH Bách khoa Đà Nẵng lên tầm khu vực, không chỉ miền Trung - Tây Nguyên mà cả Đông Nam Á; là nơi cung cấp nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho các đơn vị, cơ sở sản xuất, trước hết trong khu vực và trên cả nước.

Dịp này, Thủ tướng đã trao tặng 101 suất học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó đang theo học tại Đà Nẵng.

PHƯƠNG TRÀ - P.V

;
.
.
.
.
.