Giáo dục
Học kỹ năng giải quyết vấn đề
Lần đầu tiên có một khóa học tại Đà Nẵng, do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, từ đó vượt qua áp lực để có thái độ sống tích cực hơn.
Một tiết sinh hoạt trong chương trình “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” do Sở GD&ĐT phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng tổ chức. |
Ban đầu, khi tham gia chương trình “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” do Sở GD&ĐT thành phố phối hợp với Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng triển khai, Nguyễn Thị Bảo Trâm và các bạn lớp 11/2 Trường THPT Nguyễn Hiền chưa mấy hào hứng. “Tụi em nghĩ chỉ cần học thật tốt kiến thức là đủ. Thế nhưng, sau khi tham gia những tiết học rèn luyện kỹ năng, em thấy mình thiếu nhiều thứ, chẳng hạn như kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả”, Trâm thổ lộ.
Bỏ qua những rụt rè ban đầu, Trâm và các bạn mạnh dạn, tự tin hơn khi đưa ra những ý kiến của bản thân, cũng như biết lắng nghe, đồng tình với ý kiến của các thành viên khác trong nhóm. Trâm cho biết, trước đây, khi có một vấn đề gì xảy ra trong lớp, em và nhiều bạn chỉ im lặng và hùa theo đám đông, dù có khi biết là chưa đúng, nhưng bây giờ đã mạnh dạn bày tỏ chính kiến hay can ngăn những hành động tiêu cực đang xảy ra. “Chương trình này đã giúp chúng em có thể phát huy khả năng của bản thân, tự tin vào chính mình, chủ động giải quyết các tình huống phát sinh trong cuộc sống theo hướng tích cực hơn”, Trâm bộc bạch.
Với T.N.M.T, học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Châu Trinh, lại là một trường hợp khác. Vốn nhút nhát, T. luôn mặc cảm, tự ti rằng mình thua kém bạn bè. T. đam mê âm nhạc, nhất là hát và sáng tác. Tuy nhiên, sau đó, T. bị bạn bè gièm pha và bị chính người bạn thân nhất của mình nói xấu rằng em chuyên đi đạo nhạc của người khác.
Quá uất ức, T. bị trầm cảm trong thời gian khá dài và sụt 5kg, thậm chí mất niềm tin vào cuộc sống. Đúng lúc đó, T. quyết định tham gia chương trình “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập”. Em và các bạn đã có những ngày tháng trải nghiệm ở Bệnh viện Tâm thần, được ăn những bữa cơm cùng các y, bác sĩ nơi đây. “Em được giúp đỡ để vượt qua những tổn thương tinh thần. Trước đây, có nhiều lúc buồn chán đến độ em không thiết sống nhưng bây giờ em đã tìm thấy mục đích sống và biết yêu bản thân mình”, T. thổ lộ.
Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, qua 2 năm triển khai thử nghiệm và nhân rộng, chương trình “Rèn luyện kỹ năng, nâng cao học tập” trên địa bàn Đà Nẵng có 115 học sinh tham gia, chủ yếu ở tuổi từ 15-18. Hầu hết các em đã có những thay đổi rõ nét và tích cực về cách giải quyết các vấn đề cơ bản trong cuộc sống cũng như thách thức tại trường học.
“Ở độ tuổi phát triển tâm sinh lý khá phức tạp này, nếu các em tham gia chương trình thì việc giải quyết các vấn đề của cuộc sống sẽ được đơn giản hóa, từ đó giúp các em giảm áp lực, nâng cao hiệu quả học tập, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bị trầm cảm, tự kỷ hoặc hành động dại dột, thiếu suy nghĩ”, bác sĩ Trung nói.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng thuộc Sở GD&ĐT cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường là một yêu cầu cấp thiết hiện nay. Thời gian qua, tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã có nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả như: hình thành các phòng tham vấn tâm lý, tư vấn tâm lý tại các trường phổ thông, đa dạng hóa các loại hình câu lạc bộ tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho học sinh.
Ngành giáo dục còn phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình giáo dục tâm lý tích cực như: chương trình Thế giới tuổi hoa, Hành trang tuổi hồng, Hành trình yêu thương do Tổ chức Hòa bình phát triển Tây Ban Nha tài trợ, chương trình phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...
“Làm tốt công tác tư vấn tâm lý học đường sẽ giúp người học biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh; vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực và phù hợp; làm chủ cuộc sống của chính mình”, ông Vương nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ