Nguyên nhân được Nhóm Xếp hạng ĐH Việt Nam đưa ra phần lớn là vì sự hiện diện của họ trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt.
Thước đo 3 nhóm tiêu chí
Theo TS. Lưu Quang Hưng - nhà nghiên cứu làm việc tại Melbourne, Australia (chủ biên báo cáo xếp hạng) - cho biết, 3 nhóm tiêu chí dùng để xếp hạng được đưa ra phân bổ về điểm số và tiêu chí thành phần lại được chia nhỏ chi tiết hơn, như sau:
Thước đo về NCKH (40%) dựa trên số liệu là các công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, gồm: Quy mô và chất lượng nghiên cứu (20%), Mức độ ảnh hưởng trong khoa học của các nghiên cứu (10%), Năng suất nghiên cứu (10%).
Thước đo thứ 2 về giáo dục và đào tạo (40%) tập trung đánh giá quy mô, chất lượng sinh viên và đội ngũ giảng dạy: Quy mô đào tạo (10%), Đội ngũ giảng dạy (10%), Chất lượng giảng dạy (10%), Chất lượng sinh viên (10%).
Thước đo cuối cùng về cơ sở vật chất và quản trị (20%) gồm: Giảng đường và thư viện (10%), Chất lượng quản trị (10%).
Nguồn số liệu cho các thước đo được lấy từ ba báo cáo công khai, công bố trên website của trường, điểm thi đại học và chỉ số minh bạch thông tin.
Nhóm cũng lường trước là việc công bố bảng xếp hạng ĐH có thể gặp phải những phản ứng từ các trường hoặc xã hội.
“Đối với nhóm, đây là dự án độc lập và vô vị lợi, triển khai dựa trên công sức cá nhân của các thành viên, nên không có sự thiên vị trong đánh giá. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy yên tâm khi công bố” - đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
“Rớt thảm” vì chưa chú trọng nghiên cứu khoa học
Theo TS Giáp Văn Dương - nhà nghiên cứu độc lập (đề xuất dự án xếp hạng), các trường ít tên tuổi lọt danh sách top 10 xếp hạng chủ yếu đến từ thành tích về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở giáo dục ĐH này.
Các trường có tiếng lâu nay và là lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi (điểm thi đầu vào luôn thuộc top 10-30% của phổ điểm) đều có xếp hạng trung bình, nguyên nhân được cho là do sự hiện diện của các trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt, đồng thời có thể quy mô đào tạo lớn hơn so với năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ. Sức ép cạnh tranh sẽ khiến các trường không dựa được vào ánh hào quang “truyền thống” nữa, mà cần đầu tư theo chiều sâu vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng giáo dục.
TS Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc và nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách DEPOCEN (đồng chủ biên báo cáo) - nhận định: Tại sao Trường ĐH Ngoại thương tốt như vậy, “hot” như vậy lại xếp thứ hạng 22, mọi người mới chỉ đang nhìn nhận là sinh viên trường đó ra có xin được việc, kiếm được nhiều tiền, công việc có tốt hay không... những điều đó mới chỉ phản ánh được một phần của chất lượng giáo dục. Nhiệm vụ của giáo dục ĐH ít nhất phải đáp ứng tạo ra sản phẩm, tạo ra tri thức. Phần tạo ra tri thức cho xã hội chưa được các trường đó chú trọng lắm.
Theo Lao động