Giáo dục
Ký ức về "ông đồ xứ Nghệ" Văn Như Cương của trường Lương Thế Vinh
“Mấy năm trước về làng, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đồ già, râu bạc phơ cõng mẹ già lên chùa", đồng hương của thầy Văn Như Cương nhớ lại.
“Phó Giáo sư Văn Như Cương là một thầy giáo, nhưng cũng vừa giống như một người cha, để lại bao sự kính trọng cho các thế hệ học trò Lương Thế Vinh. Đến khi bị bệnh, thầy cũng là một bệnh nhân chiến đấu kiên cường đến tận giây phút cuối cùng. Sự ra đi của thầy đột ngột khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng. Lần về thăm trường mới đây, tôi vẫn thấy thầy khỏe và dí dỏm lắm”, chị Thùy Dương, cựu học sinh khóa 10 trường THPT Lương Thế Vinh nghẹn ngào trong nước mắt.
Thầy Văn Như Cương. |
Sáng sớm ngày 9/10, khi vừa nghe hung tin thầy Văn Như Cương, người sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh qua đời, cô học trò cũ vội vã cùng thầy giáo chủ nhiệm năm xưa đến trường và nhà tang lễ để gặp thầy lần cuối.
Chia sẻ ngay trước cổng trường, chị xúc động nhớ về những kỷ niệm ngày đầu tiên được gặp thầy: “Khi mới vào trường, tôi đã thắc mắc rằng, tại sao trường không có một cuốn tiểu sử Lương Thế Vinh? Nhưng lúc ấy tôi lại nói nhầm thành tiểu sử Văn Như Cương. Tôi đã sợ tái mặt, sợ bị thầy mắng vì dám gọi thẳng tên thầy như thế, nhưng không ngờ, lúc ấy, thầy chỉ nhìn tôi rồi cười lớn, cả trường cũng cười theo. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ mình may mắn thoát nạn".
Chị Thùy Dương cho hay, ngay sau đó 1 tuần, những cuốn tiểu sử về trường được phát đến tận tay từng học sinh Lương Thế Vinh.
"Thế rồi, đến lần Đại hội Đoàn, khi được gặp thầy Cương, tôi lại bày tỏ mơ ước trường sẽ có một hội trường thật lớn cho học sinh tổ chức các đại hội chứ không phải ngồi ngoài trời nắng. Rồi chưa đầy 1 năm sau, chúng tôi được ngồi trong hội trường to đẹp tại Cầu Giấy, là tiền thân của trường Lương Thế Vinh ngày nay", chị Thùy Dương cho biết.
Với học sinh như chị, thầy Văn Như Cương luôn nghiêm khắc, nhưng luôn luôn lắng nghe và làm những gì tốt nhất cho học sinh. "Đến giờ, mỗi lần gặp thầy, chúng tôi vẫn đùa rằng, ra trường rồi, thấy tiếc lắm thầy ạ. Chúng em lại cho con vào Lương Thế Vinh thầy nhé", chị Dương nhớ lại.
TS Toán học Lê Thống Nhất, một học trò cũ của thầy Văn Như Cương không cầm được nước mắt khi nói về thầy: “Tháng 3/2017, căn bệnh nan y quay lại hành hạ thầy. Một cuộc chiến đấu lại bền bỉ với sự cầu nguyện của biết bao thế hệ học trò, 17.000 con hạc giấy do học sinh trường gấp như một sự tha thiết mong Trời đừng bắt Thầy đi".
Ngày 24/3/2017, Tiến sĩ Lê Thống Nhất cùng bạn bè đến thăm thầy, lúc đó thầy yếu đi nhiều. Thế nhưng thầy vẫn vui vẻ, lạc quan. Thầy trò chuyện với giọng yếu nhưng trí tuệ thì minh mẫn lắm.
Khi mọi người khuyên thầy cần ăn uống, đặc biệt là uống sữa, nước hoa quả, thầy vẫn hóm hỉnh như xưa, hỏi lại: “Uống bia có được không”?. Câu đối đáp của thầy làm tất cả đều cười vui vẻ.
"Lúc đó chúng tôi hỏi thầy có uống rượu Beluga không? Thầy lắc đầu. Hỏi thầy có muốn vào facebook không? Thầy gật đầu nói nhỏ: “Có…”. Mọi người không dám nói chuyện lâu vì sợ thầy mệt. Khi nghe nói các trò chia tay ra về, thầy đột ngột ngồi bật dậy, rất nhanh đến mức mọi người không cản kịp…", Tiến sĩ bồi hồi nhớ lại.
Không phải ai trong suốt những năm tháng đứng lớp, làm một thầy giáo lại nhận được nhiều tình cảm từ phía học trò như thầy Văn Như Cương. Thậm chí ở vị trí là một người lãnh đạo của nhà trường, thầy Cương vẫn luôn được tất cả các học sinh yêu quý. Nói về thầy Cương, học sinh các thế hệ của trường luôn thể hiện những suy nghĩ và tình cảm chân thành.
Với những thế hệ học trò mới nhất, dù không còn được học thầy, nhưng những tình cảm dành cho thầy vẫn luôn tràn đầy.
Đinh Ngọc Hải, cô học trò lớp 10A 1.0, mới chập chững bước chân vào trường chưa lâu, nhưng trong em, những ấn tượng về thầy Cương đủ để em thốt lên 2 tiếng “tuyệt vời”.
“Thầy Cương ra đi quá đột ngột. Trước đó, chúng em không được nghe bất cứ tin nào rằng tình trạng sức khỏe của thầy. Nhiều bạn trong lớp em nghe xong bật khóc, không tin vào những gì vừa nghe nữa”.
Với học sinh trường Lương Thế Vinh, thầy Văn Như Cương giống như một ông tiên tóc bạc. |
Kể về kỷ niệm với thầy Cương, Hải vẫn nhớ như in lần đầu tiên đi tập quân sự và được gặp thầy: “Em chưa từng đi học quân sự, nên có chút lo lắng và khó chịu với những quy định theo kiểu quân đội. Thế nhưng ngay buổi học đầu tiên, thầy đã có mặt tại nơi chúng em học trong bộ đồng phục như hàng trăm học sinh. Lúc ấy, tất cả chúng em đều rất bất ngờ và hào hứng. Thầy dặn dò, động viên chúng em vừa ân cần, yêu thương nhưng cũng rất nghiêm khắc. Thầy vừa là một người ông trong nhà, vừa là một người thầy đáng kính”.
Là người đồng nghiệp, người bạn đồng hành cùng thầy Văn Như Cương ngay từ những ngày đầu tiên thành lập trường dân lập đầu tiên Lương Thế Vinh, thầy Đoàn Ngọc Toại chia sẻ: “Sự ra đi đột ngột của thầy Cương để lại nhiều tiếc thương không chỉ cho gia đình, mà còn cho các thế hệ thầy và trò của trường Lương Thế Vinh. Thầy Cương là người có nhiều tâm huyết cho giáo dục, đến những ngày cuối đời, thầy vẫn luôn muốn cống hiến, gắn bó với học sinh, với giáo viên. Sự ra đi của thầy là một thiệt thòi lớn cho trường Lương Thế Vinh và cũng là của toàn hệ thống giáo dục ngoài công lập".
Tiếp lời, thầy Đoàn Ngọc Tạo cho hay, thầy Cương là người vừa có tố chất của một ông đồ xứ Nghệ, có dư duy Toán học, có tính cách nghệ sỹ và đầu óc kinh doanh sáng suốt. Bởi vậy mà bao năm qua, thầy luôn thu hút học sinh và giáo viên.
Trong cách ứng xử với các đồng nghiệp, thầy Đoàn Ngọc Toại ấn tượng bởi cách sống rất mô phạm của PGS Văn Như Cương.
Từ những ngày đầu tiên về trường, điều khác biệt của Lương Thế Vinh là không có cách xưng hô anh –em, chị -em, cậu –tớ giữa các đồng nghiệp. Thầy Văn Như Cương luôn nhất quán, một tiếng thầy, hai tiếng cô. Bao năm qua, thầy đã xây dựng lên một môi trường giáo dục có nội quy tốt, dù đôi khi hơi chặt chẽ. "Vừa là một giáo viên, cũng đồng thời là phụ huynh, tôi thấy đó là điều cần thiết cho học sinh”, thầy Đoàn Ngọc Toại chia sẻ.
Ngay trong buổi sáng nghe tin thầy Văn Như Cương mất, những người bạn cùng quê, anh em làng trên xóm dưới cũng không quản ngại đường đến thắp nén tâm nhang.
“Mấy năm trước về làng, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đồ già, râu bạc phơ cõng mẹ già lên chùa. Đức hiếu thảo của thầy ấy thì khỏi phải bàn. Từ trong gia đình, họ hàng, đến bà con làng nước, dù ít khi gặp, nhưng ai nấy đều kính nể thầy vô cùng”, ông Dương Danh Tấn (75 tuổi, đồng hương với thầy Văn Như Cương) chia sẻ.
PGS.TS Văn Như Cương sinh sinh năm 1937, tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971. Sau khi về nước, ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi đổi mới. PGS Văn Như Cương là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Ngoài dạy học, ông còn viết gần 60 đầu sách về môn Toán, viết sách giáo khoa Toán nâng cao và giáo trình Đại học, dịch sách Toán nước ngoài ra tiếng Việt.
Ông được Chính phủ công nhận chức danh Phó giáo sư và có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. |
Theo VOV