Giáo dục

Thiếu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

08:14, 28/10/2017 (GMT+7)

Kết hợp nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) là xu hướng phát triển tất yếu để tăng cường nguồn lực khoa học cho quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đó là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH”, do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 27-10.

Các sản phẩm nghiên cứu trong nhà trường phải được ứng dụng vào thực tiễn để phát huy hiệu quả. TRONG ẢNH: Một giờ học của sinh viên Khoa y dược, Đại học Đà Nẵng.                          Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Các sản phẩm nghiên cứu trong nhà trường phải được ứng dụng vào thực tiễn để phát huy hiệu quả. TRONG ẢNH: Một giờ học của sinh viên Khoa y dược, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Theo TS Nguyễn Thị Dung, Phó phòng Thanh tra, Trường ĐH Lao động xã hội Hà Nội, thực tế lâu nay, việc nghiên cứu khoa học chỉ dành riêng cho các viện nghiên cứu và công tác đào tạo được “khoán trắng” cho các trường ĐH, nên sinh viên ra trường được đào tạo nghiêng về lý thuyết, hàn lâm nhiều hơn thực tiễn.

PGS. TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐHĐN) cho rằng, cần thiết phải có mối quan hệ gắn kết, khăng khít với doanh nghiệp, tuy nhiên, rào cản lớn nhất của mối quan hệ doanh nghiệp - trường ĐH hiện nay là do thiếu niềm tin và động lực hợp tác. “Phải thấy rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp và doanh nghiệp chủ yếu “săn” người có kinh nghiệp chứ chưa chú trọng việc tham gia hợp tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tính chất lâu dài, bền vững. Khoa học - công nghệ chưa được chú trọng như là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển của đa số doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp và xã hội chưa có niềm tin vào sản phẩm khoa học - công nghệ trong nước; chưa đầu tư và hợp tác để sáng tạo công nghệ, vẫn thích chạy theo công nghệ của các nước”, PGS. TS Võ Văn Minh nói.

Cũng theo PGS. TS Võ Văn Minh, hiện nay, các trường ĐH và doanh nghiệp khác chủ yếu ký ghi nhớ, cam kết gửi sinh viên thực tập, triển khai một số nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ nhỏ lẻ…; trong khi đó đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu có phối hợp với doanh nghiệp còn rất ít, thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Đại đa số sinh viên chưa chủ động chọn trường, chọn ngành, sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mối quan hệ trường ĐH và doanh nghiệp cũng chưa có.

Theo ông Nguyễn Lê Hùng, Ban Khoa học công nghệ và môi trường thuộc ĐHĐN, thành phố hiện có gần 40 nhóm nghiên cứu - giảng dạy hoạt động trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, kinh tế và khoa học xã hội. Nhờ đó, đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học - công nghệ ứng dụng tiêu biểu như: robot hàn tự động, vật liệu xây dựng cầu đường, vật liệu nano… ĐHĐN cũng đã thành lập nhiều trung tâm để triển khai các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu hằng năm khoảng 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, khó khăn chung của các trung tâm vẫn là chưa được đầu tư nhiều và chưa tạo ra được những sản phẩm công nghệ đặc trưng.

PGS. TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nhà trường phải gắn với doanh nghiệp và gắn với thị trường. “Điều quan trọng nhất là các sản phẩm của chúng ta có được thị trường thừa nhận, sử dụng, ứng dụng hay không? Đó là thước đo quan trọng nhất. Chúng ta còn thụ động chờ doanh nghiệp. Chúng ta phải chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp và thị trường, tạo nhu cầu cho họ, PGS. TS Nguyễn Văn Phúc nói.

PGS. TS Võ Văn Minh cho rằng, giảng viên ĐH là hạt nhân gắn kết, thúc đẩy xúc tiến hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp. “Giảng viên là người tìm kiếm nguồn tài chính để nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội để chuyển giao sản phẩm nghiên cứu, giảng viên phải và nên thực hiện vai trò giới thiệu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về vai trò giới thiệu, tư vấn, phản biện xã hội. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm công sức, chi phí tìm kiếm nhân sự, mà thay vào đó sẽ trở thành người xây dựng tiêu chí hoặc đặt hàng. Giảng viên có thể đóng vai trò như nhà tư vấn, môi giới nguồn nhân lực chất lượng cao”, PGS. TS Võ Văn Minh nêu ý kiến.

Để làm được điều này, các trường ĐH phải xây dựng được các chính sách khuyến khích các nhóm giảng viên giảng dạy theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật từ tài chính, nhân sự đến tự do học thuật.

Còn theo PGS. TS Bùi Đức Thọ, Trưởng phòng Quản lý khoa học thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân, các cơ sở giáo dục ĐH trong cùng khối chuyên ngành đào tạo nên phối hợp để định kỳ khảo sát nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhằm đánh giá nhu cầu của nhà tuyển dụng về yêu cầu kiến thức, kỹ năng, thái độ lao động có trình độ ĐH, sau ĐH ở mỗi vị trí việc làm; cùng thống nhất xây dựng chuẩn đầu ra đối với chương trình đào tạo.

Đồng thời, cần phát huy mô hình doanh nghiệp, viện nghiên cứu trong trường ĐH để gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu chuyên nghiệp của các viện nghiên cứu thuộc trường với hoạt động đào tạo của trường.

PHƯƠNG TRÀ

.