Nhìn nhận Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có một số mục tiêu đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy và người học, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ điều chỉnh đề án này đến năm 2025.
Đề án ngoại ngữ 2020 đặt mục tiêu xa rời thực tế
Ngày 29/12, tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án ngoại ngữ 2020 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.
Các đại biểu phát biểu tại hội thảo về tổng kết đánh giá triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường cao đẳng đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2008-2016 |
Theo ông Tuấn, đề án ngoại ngữ 2020 không đạt được mục tiêu khi đặt ra vì hàng loạt nguyên nhân. Trong đó, lộ trình triển khai dạy và học ngoại ngữ rất khác nhau. Một số trường triển khai chậm do thiếu giảng viên và không xây dựng lộ trình cụ thể theo hướng dẫn của Bộ. Trong khi đó một số trường lại xây dựng lộ trình triển khai nhanh nhưng không tính tới các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế phát triển của trường.
“Nhận thức về vai trò của ngoại ngữ và sự cần thiết của việc đổi mới dạy và học ngoại ngữ chưa đầy đủ, chưa tạo động lực, mục tiêu phấn đấu cho người học. Sinh viên thiếu động lực học, thụ động tương tác trong giờ học, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ mà chỉ học cho đủ điều kiện trúng tuyển đại học và tốt nghiệp. Sinh viên học ngoại ngữ không vì mục đích để giao tiếp, nghiên cứu, phục vụ sau tốt nghiệp.
Trong khi đó, giảng viên có trình độ ngoại ngữ không đồng đều, số người được đào tạo ở nước ngoài ít, trong khi đó chi phí để thi và lấy chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khá cao và bị giới hạn về thời gian. Mặt khác, do năng lực tiếng Anh còn hạn chế của người dạy và người học, nên khi giảng dạy bằng tiếng Anh chậm hơn so với tốc độ dạy tiếng Việt. Giảng viên cũng lúng túng khi xây dựng ngân hàng đề thi theo khung 6 bậc dùng cho Việt Nam…
Chương trình, giáo trình, tài liệu học tập vẫn ở mức độ cơ bản, không được cập nhật thường xuyên hướng tới chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Học liệu chưa phong phú, thiếu hấp dẫn sinh viên.
Các đơn vị thực hiện Đề án ngoại ngữ 2020 của các trường chưa có sự gắn kết và chia sẻ mặt học liệu. Về công tác khảo thí, theo ông Tuấn, việc khảo thí chưa đáp ứng yêu cầu triển khai đề án và năng lực ngoại ngữ của sinh viên.
Thậm chí, nhiều trường chưa có bài thi đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và tương thích với chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, chưa có ngân hàng đề thi theo khung 6 bậc của Việt Nam để triển khai tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính, thiếu đội ngũ khảo thí chuyên nghiệp. Chưa có các kỳ kiểm tra tiếng Anh đối với các giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Các điều kiện dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong xu thế hội nhập và đổi mới, thiếu các trang thiết bị, quy mô lớp học với sĩ số trên 50 sinh viên/lớp. Môi trường học tập chưa đạt chuẩn quốc tế, không tạo được động lực cho giảng viên, sinh viên tích cực học tập ngoại ngữ.
Đặc biệt, kinh phí để xây dựng ngân hàng đề thi, phần mềm thi online phục vụ kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và xây dựng bài giảng điện tử còn hạn chế. Các trường vẫn lúng túng về việc tổ chức và thu học phí cho những đối tượng sinh viên tham gia học tiếng Anh tăng cường”, ông Tuấn nêu.
Có “hạ chuẩn” đề án ngoại ngữ?
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, thời gian qua một số trường ĐH đã đưa ra chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đối với sinh viên, tăng cường cơ sở hạ tầng trang thiết bị dạy ngoại ngữ và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Mặc dù vậy, nhiều mục tiêu đề ra trong đề án này thời gian qua chưa đạt được. Vì vậy năm 2017, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ bổ sung cho đề án giai đoạn tiếp theo và đã được Chính phủ thông qua đề án chỉnh sửa bổ sung và ban hành quyết định mới cho đề án giai đoạn 2017-2025”.
Theo bà Hữu, Đề án Ngoại ngữ giai đoạn năm 2017-2025 đặt ra quy định đối với các trường đại học và các trường sư phạm đào tạo ngoại ngữ là đến năm 2025 là hầu hết các trường đào tạo ngoại ngữ và 80% các trường đào tạo các ngành khác, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ; Ngành giáo dục đào tạo sẽ triển khai một số chương trình đào tạo giáo viên về ngoại ngữ; Đối với các cơ sở ngoại ngữ 100% sinh viên ra trường sẽ đạt chuẩn đầu ra.
“Vì vậy trong giai đoạn 2017-2025 các trường sẽ phải rà soát lại yêu cầu chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ cho sinh viên. Những trường chưa công bố chuẩn đầu ra cần xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên. Lưu ý, chuẩn năng lực ngoại ngữ là B1 bậc 3 đối với học sinh tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên theo tính toán của ban đề án ngoại ngữ quốc gia của chúng tôi để đạt được năng lực này (B1 bậc 3) đối với học sinh THPT thì khả đăng đạt được sớm nhất trên diện rộng vào năm 2030. Như vậy, từ nay đến 2030 năng lực ngoại ngữ đầu ra của học sinh THPT chỉ ở mức A2 mà thôi. Do đó, yêu cầu chuẩn đầu ra xây dựng phải tương ứng và phải có lộ trình để sinh viên đạt được”, bà Hữu nói.
Bên cạnh đó, một số trường thời gian qua đặt chuẩn B1 bậc 3 nhưng cũng gặp khó khăn với chuẩn này và cũng lưỡng lự có tiếp tục đặt chuẩn này hay không. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề án chuẩn ngoại ngữ quốc gia như Chính phủ đã phê duyệt thì các trường cần tiếp tục xây dựng chuẩn đầu ra nhưng có lộ trình phù hợp để triển khai yêu cầu chuẩn đầu ra đó.
Sau khi có yêu cầu chuẩn đầu ra cụ thể thì các trường xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đã công bố. Hiện nay có rất nhiều hệ thống học liệu để hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo cũng như chia sẻ chương trình đào tạo ngoại ngữ dùng chung cho các trường. Ngoài thông tư 01 ban hành năm 2014, các trường có thể tham khảo khung tham chiếu châu Âu CEFR cũng như hệ thống học liệu kèm theo.
Các trường cũng nên rà soát lại việc đào tạo ngoại ngữ theo chuyên ngành đối với các trường đã có môn học ngoại ngữ chuyên ngành. Đồng thời tiếp tục xây dựng ngoại ngữ chuyên ngành này đây là một bước chuyển mới trước khi có thể dạy các môn chuyên ngành bằng ngoại ngữ chủ yếu bằng tiếng Anh.
Đối với những học sinh ưu tú có thể đạt được năng lực ngoại ngữ nhất định có thể học được môn chuyên ngành bằng tiếng Anh ngay từ bây giờ nhưng với mục tiêu cao hơn nữa là có thể dạy nhiều môn học hơn, chuyên ngành, ngành bằng tiếng Anh thì cũng phải có môn chuyên ngành trong giai đoạn này.
Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trong sinh viên cũng rất quan trọng. Hiện nay, các trường thực hiện theo 2 hình thức theo yêu cầu chương trình đào tạo phù hợp chuẩn đầu ra của nhà trường mà xác định năng lực ngoại ngữ của từng sinh viên; thứ hai là mời một đơn vị đánh giá độc lập đánh giá và công nhận chứng chỉ năng lực ấy.
Cả 2 hình thức đánh giá này đều phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhưng để có sự thống nhất trên toàn quốc thì bài thi đánh giá độc lập cũng rất cần thiết. Vấn đề này sắp tới đây Cục khảo thí sẽ chia sẻ bài thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cũng như lộ trình tổ chức thi của trung tâm khảo thí quốc gia (Bộ GD-ĐT).
“Trong thời gian tới, việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia sẽ là một trong 9 trọng tâm của Bộ GD-ĐT. Dạy học ngoại ngữ sẽ là một mục tiêu trong nhà trường để triển khai đề án ngoại ngữ trong giai đoạn tiếp theo đạt hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra không như giai đoạn vừa qua”, bà Hữu cho biết.
Theo Dân trí