Tăng cường quản lý bữa ăn bán trú cho học sinh

.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận (ảnh), Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), qua công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các trường học trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT nhận thấy cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn cho trẻ ở một số nơi chưa bảo đảm. Nhiều nơi chưa xây dựng bếp ăn một chiều đúng tiêu chuẩn. Người đảm nhận công việc ở nhà bếp chủ yếu là nhân viên hợp đồng ngắn hạn và chưa chuyên nghiệp…

Với mức đóng góp kinh phí còn thấp, nhiều trường tự làm bữa xế để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Trong ảnh: Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) chuẩn bị bữa ăn phụ cho trẻ.
Với mức đóng góp kinh phí còn thấp, nhiều trường tự làm bữa xế để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Trong ảnh: Trường mầm non Bạch Dương (quận Ngũ Hành Sơn) chuẩn bị bữa ăn phụ cho trẻ.

Đây cũng là nỗi trăn trở, lo lắng của phụ huynh khi gửi con ăn bán trú tại trường, trong khi thực tế số trẻ mầm non và tiểu học ăn bán trú trên địa bàn Đà Nẵng tăng qua từng năm.

- Thưa bà, chất lượng và cách quản lý bữa ăn bán trú tại các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào?

Toàn thành phố có 208 trường mầm non, 104 trường tiểu học với khoảng 150.000 học sinh và có hàng trăm bếp ăn tập thể trường học đạt quy chuẩn một chiều. Hằng năm, sở triển khai phổ biến chủ trương của ngành và thành phố về công tác bán trú, nội quy, quy định ATVSTP đến tất cả các trường; tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số đơn vị chưa làm tốt công tác này.

Với những đơn vị chưa làm tốt, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo UBND quận, Phòng GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường để chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ. Sở cũng tạo điều kiện cho những người nấu ăn tại trường tham gia lớp bồi dưỡng về công tác cấp dưỡng.

Nhằm tăng cường quản lý bữa ăn bán trú, thời gian đến, Phòng GD-ĐT quận sẽ quyết liệt yêu cầu các đơn vị cung ứng thực phẩm thực hiện đúng cam kết bảo đảm ATVSTP và giá cả theo quy định. Sở GD-ĐT cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra và đề nghị xử lý những đơn vị làm chưa tốt công tác này; đồng thời hướng dẫn các trường mời đại diện phụ huynh tham gia giám sát vấn đề ATVSTP. Các trường học cũng tăng cường sử dụng hệ thống camera theo dõi nhằm quản lý công tác bán trú được minh bạch và an toàn hơn.

 - Có nhiều ý kiến cho rằng mức 15.000 - 20.000 đồng/bữa ăn/trẻ là chưa thể đủ dinh dưỡng khẩu phần ăn của trẻ trong thời điểm hiện nay?

UBND quận, huyện ban hành mức khung về thu tiền ăn bán trú, trên cơ sở đó nhà trường và phụ huynh thỏa thuận nhưng không được vượt mức khung này. Mức thu cũng tùy thuộc từng trường và điều kiện kinh tế từng nơi. Tuy nhiên, nếu biết tính toán và làm tốt công tác quản lý thì với mức như vậy vẫn có thể bảo đảm đủ dinh dưỡng khẩu phần ăn cho trẻ.

Hiện nay, tại một số trường mầm non, các cô giáo tự làm một số món ăn đơn giản như sữa chua, sữa đậu nành, bánh… để bảo đảm chất lượng trong khuôn khổ số tiền thu của phụ huynh. Các cô cũng tính toán kỹ việc lựa chọn thực phẩm sao cho giá thành không quá cao nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng và vệ sinh.

- Xin cảm ơn bà.

* Chị Lê Thị Vân (33 tuổi, quận Hải Châu): Phải có sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Ban đại diện cha mẹ học sinh phải được tham gia vào các quy trình từ tiếp nhận đến chế biến, cung cấp thực phẩm cho học sinh mới bảo đảm đủ khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ và chất lượng bữa ăn tương ứng với số tiền phụ huynh bỏ ra. Sau từng tháng, nhà trường cần phải kiểm tra, đánh giá chất lượng bữa ăn và nếu thấy đơn vị cung cấp thực phẩm không đáp ứng được yêu cầu thì tạm dừng ngay. Các trường cũng phải công khai chi tiêu nội bộ cụ thể việc ăn bán trú cho trẻ.

* Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non công lập Hoàng Lan (quận Ngũ Hành Sơn): Kiểm tra kỹ nguồn thực phẩm

Nhà trường hiện chăm sóc khoảng hơn 200 học sinh. Lãnh đạo trường chia nhau có mặt tại bếp ăn để kiểm tra tất cả các khâu từ tiếp nhận thực phẩm đến bảo quản, chế biến, cung cấp. Bếp ăn được thiết kế theo quy trình một chiều, nhân viên được khám sức khỏe định kỳ 2 lần/1 năm và được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định như: tạp dề, quần áo, mũ, chụp tóc, khẩu trang. Nhà trường cũng thực hiện việc lưu mẫu thức ăn hằng ngày và lưu sổ ghi chép đầy đủ. Hiện nay, nhà trường đang tổ chức bữa ăn bán trú cho các em với mức 19.000 đồng/ngày, trong đó bữa trưa chỉ khoảng 12.000 đồng/ngày. Trong thời buổi giá cả thị trường tăng cao, để không tăng mức tiền ăn, các cô giáo trong trường đã tự làm thêm sữa chua, bánh cho bữa phụ. Nhà trường cũng tổ chức trồng rau để đáp ứng một phần rau sạch cho bữa ăn bán trú của học sinh.

* Ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP thành phố Đà Nẵng: Tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các trường

Lâu nay, tại Đà Nẵng chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm ở trường học; tuy nhiên việc bảo đảm ATVSTP các bếp ăn bán trú luôn được thực hiện để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra, nhất là với các bếp ăn phục vụ hàng ngàn suất mỗi ngày. Để bảo đảm ATVSTP, các trường cần kiểm tra kỹ nguồn thực phẩm, lưu mẫu đúng quy định, thời gian lưu là 24 giờ. Chi cục sẽ tăng cường phối hợp tập huấn cho các bếp trưởng, nhân viên chế biến về ATVSTP, kết hợp thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại các trường.

KIM NGÂN

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.