Phát triển hoạt động thư viện nhằm nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Đà Nẵng trong thời gian qua. Bước đầu những hoạt động này đã đạt được kết quả khả quan.
Học sinh mượn sách tại thư viện Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu). |
Năm học 2017 - 2018, Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) có hơn 2.000 học sinh. Để thu hút học sinh đến thư viện đọc sách, nhà trường thường xuyên điểm sách trong giờ chào cờ và vào các ngày lễ lớn. Chị Trần Thị Kiều Ngân, phụ trách công tác thư viện của trường chia sẻ, chị giới thiệu sách cho học sinh theo từng chủ đề.
Chẳng hạn, với chủ đề “Tuần lễ học tập suốt đời” chị sẽ giới thiệu các quyển sách Bác Hồ - thời học trò thông minh, Thần đồng Việt Nam... Theo chị Ngân, thư viện thường xuyên bổ sung sách có chọn lựa như truyện tranh lịch sử, truyện tranh về các danh nhân, sách văn học, nghệ thuật, sách tham khảo... Ngoài ra, nhà trường còn phát động phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay” nhằm tăng cường vốn tài liệu và sách cho thư viện.
“Em thường xuyên đến thư viện vào giờ giải lao để mượn sách. Em rất thích đọc truyện, nhất là truyện Trạng Quỳnh và truyện tranh Conan”, em Nguyễn Hồ Tâm Nguyên (lớp 6/5, Trường THCS Nguyễn Huệ) chia sẻ.
Ở Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu), từ năm học 2014-2015, nhà trường xây dựng thư viện xanh trong sân trường. Không chỉ đầu tư nguồn sách từ ngân sách Nhà nước, nhà trường còn kêu gọi phụ huynh ủng hộ và trong 3 năm qua đã có hơn 20.000 bản sách được tặng cho thư viện nhà trường.
Để khuyến khích học sinh đọc sách, Trường THPT Tôn Thất Tùng lại tổ chức ngày hội tôn vinh sách - tôn vinh giá trị của tri thức và văn hóa đọc vào tháng 4 hằng năm. Nhà trường còn tổ chức hội thi “Hùng biện, tốp ca về danh nhân và địa danh trường mang tên”.
Bà Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù nguồn ngân sách eo hẹp nhưng hằng năm nhà trường đều dành 15-20 triệu đồng để bổ sung nguồn sách cho thư viện. Trường cũng có 2 tủ sách mở ngoài trời để các em có thể tranh thủ giờ giải lao đọc sách ngay trong khuôn viên trường.
Thời gian qua, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều sân chơi, tạo cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, tìm hiểu sách như: Giao lưu kể chuyện theo sách cấp thành phố dành cho học sinh tiểu học với chủ đề “Sách - Người bạn thân thiết của em”; ngày hội sách với chủ đề “Lật trang sách - Mở tương lai” do Phòng GD-ĐT quận Cẩm Lệ tổ chức; ngày hội sách với chủ đề “Từ sách truyền thống đến sách điện tử” của Phòng GD-ĐT quận Hải Châu; liên hoan câu lạc bộ Chúng em hát dân ca và kể chuyện theo sách, hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động tủ sách mở ở huyện Hòa Vang...
Dù các trường đã có nhiều đổi mới trong hoạt động thư viện, tuy nhiên theo một số học sinh, các em đều làm thẻ nhưng vì sách cũ, thời gian đọc sách vào giờ giải lao ngắn nên nhiều em ngại vào thư viện trường.
Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, ngành đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận, huyện thực hiện tuyên truyền sâu rộng về việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Thành phố cũng đã đầu tư hơn 4,3 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hơn 3 tỷ đồng, xã hội hóa hơn 1,2 tỷ đồng) để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, mua sắm tủ sách mở, sách bổ sung cho thư viện các đơn vị, trường học.
Trong năm 2017, ngành công nhận thêm 2 thư viện đạt chuẩn và 6 thư viện tiên tiến. Thành phố có 100% trường có thư viện mở, tủ sách ngoài trời, tủ sách trong lớp học. Tuy nhiên, một số trường vẫn chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tạo văn hóa đọc trong học sinh và giáo viên. Vì thế, để thư viện nhà trường phát triển thì không chỉ đầu tư cơ sở vật chất là đủ mà cần có các hoạt động khơi dậy phong trào đọc sách trong trường.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ