Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục

.

Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đánh giá học sinh dựa trên năng lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Phát huy tính chủ động tích cực cho học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục.  Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám.
Phát huy tính chủ động tích cực cho học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám.

Những năm gần đây, Trường THPT Quang Trung liên tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá. Hiện nay, nhà trường đã trang bị đủ máy tính, ti-vi, máy chiếu trên tất cả các phòng học để hỗ trợ việc dạy và học. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong dạy học phải bảo đảm chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình hiện hành. Chúng tôi tăng cường dạy học theo chủ đề, dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh, giảm lượng kiến thức hàn lâm, chú trọng hướng học sinh nắm được vấn đề cốt lõi bài học và chú trọng vận dụng kiến thức vào thực tiễn”. Nhà trường phân loại học sinh theo 2 kiểu. Học sinh yếu do tố chất thì giới hạn nội dung bài cũ, báo trước để các em chuẩn bị tốt. Nếu học sinh có tố chất nhưng yếu do lười học thì thường xuyên giao bài học, bài tập để các em làm, có kiểm tra, nhắc nhở. Nhiều lớp cũng tổ chức làm việc theo nhóm để kích thích tính tích cực của các em.

Trường THPT Trần Phú cũng đẩy mạnh các hoạt động dạy, học theo hướng tích cực. Thầy Nguyễn Huy Bính, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, nhà trường giao quyền chủ động cho giáo viên; đồng thời biên soạn lại phân phối chương trình phù hợp với điều kiện thực tế. “Giáo viên tùy theo đối tượng học sinh để có thể biên soạn riêng phân phối chương trình nhưng phải bảo đảm khung chung và hướng dẫn chuyên môn của Bộ và Sở GD-ĐT”, thầy Bính chia sẻ.

Cô Lê Thị Thanh Bình, giáo viên môn Giáo dục công dân của nhà trường cho biết, đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được gì qua việc học. Để bảo đảm được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối ”truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. “Chúng tôi tạo điều kiện cho học sinh nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn và thảo luận nhiều hơn. Điều đó có nghĩa, mỗi học sinh vừa tự lực cố gắng vừa hợp tác chặt chẽ với nhau trong quá trình tiếp cận, phát hiện và tìm tòi kiến thức mới. Lớp học trở thành môi trường giao tiếp thầy – trò và trò – trò nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung”, cô Bình nói.

Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng là một trong những đơn vị triển khai đổi mới phương pháp dạy học. Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, thời gian qua, nhà trường đã quán triệt cho các tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt về thiết kế bài giảng đổi mới phương pháp dạy học, dự giờ rút kinh nghiệm và sinh hoạt chuyên đề. Giáo viên cũng chủ động thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp thời gian hợp lý các hoạt động, chú trọng phát huy tính tích cực, sáng tạo trong học tập của học sinh. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá năng lực của mình cũng rất quan trọng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất hoạt động giáo dục tại 8 trường THCS, THPT, tiến hành dự giờ, kiểm tra hồ sơ tổ chuyên môn, giáo án, việc quản lý, sử dụng phòng học bộ môn, việc xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn của nhà trường. Qua đó, điều chỉnh các thiếu sót, góp ý các tiết dạy của giáo viên theo hướng đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao  tính tích cực của học sinh... Để nâng cao chất lượng, ngành cũng đa dạng hóa các hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông như: dạy học trực tuyến, trường học kết nối... và tinh giản các cuộc thi trong năm; khuyến khích các đơn vị tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… Ngành cũng đã đổi mới kiểm tra, đánh giá, hình thức ra đề, lập ma trận đề; hạn chế hình thức kiểm tra ghi nhớ máy móc, tăng cường câu hỏi vận dụng kiến thức và chỉ đạo các trường THCS, THPT nghiên cứu tổ chức sinh hoạt theo mô hình câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh, năng khiếu tại trường, khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động CLB giao lưu liên trường. Tính đến tháng 12-2017, toàn thành phố có 214 CLB, chiếm 100% các trường đã thành lập các CLB học tập hoặc CLB năng khiếu theo sở thích. Các trường còn tổ chức cho học sinh học tập ở nhà và ngoài nhà trường như dạy học tại bảo tàng, tại các di tích lịch sử, thực địa…

Năm học 2016-2017, thành phố có 35/62 học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 đoạt giải; trong đó, có 1 giải nhất, 7 giải nhì, 14 giải ba và 12 giải khuyến khích, có học sinh đạt 208 giải trong Cuộc thi giải Toán, Vật lý qua Internet cấp quốc gia...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.