Thủ tướng yêu cầu xét duyệt chặt chẽ hơn chức danh GS, PGS

.

Thủ tướng yêu cầu phải siết chặt chẽ hơn trong việc xét duyệt giáo sư, phó giáp sư, rõ ràng hơn về tiêu chí, không hạ chất lượng các tiêu chí.

Chiều 29-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020.

Cuộc họp nhằm lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban và Hội đồng về một số lĩnh vực quan trọng, đó là phát triển đội ngũ giáo viên; xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tự chủ đại học và sửa đổi quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020 và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020

Nhắc đến nhiều hạn chế trong phương pháp giáo dục ở các bậc học hiện nay, GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị cần quyết liệt hơn nữa trong chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận phương pháp, kỹ năng.

Ông Vũ Minh Giang cho rằng, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay chưa có chuyên gia hướng nghiệp mà công việc này thường chỉ là ở gia đình, cha mẹ của học sinh, sinh viên. Do đó, việc hướng nghiệp cần phải được thực hiện từ nhỏ đối với học sinh và cần hướng đến việc hình thành tư tưởng tạo ra việc làm cho người khác đối với học sinh, sinh viên khi lựa chọn nghề nghiệp cho mình trong tương lai.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ lo lắng về thực trạng nghèo nàn về trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục, nhất là hệ thống các phòng thí nghiệm. Cùng với đó là sự bất hợp lý trong quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm hiện nay, đẫn đến tình trạng khó quản lý chất lượng tại các trường sư phạm, nhất là tại các địa phương. GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng cần đẩy mạnh tư tưởng học tập suốt đời, đặt vấn đề giáo dục cho cả người lớn.

Đại diện cho khối doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Viettel Nguyễn Mạnh Hùng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh ứng dụng đào tạo thiết lập mô hình đào tạo qua mạng, trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0. Cùng với đó là tăng cường sử dụng sách điện tử, vì việc này thuận tiện cho thay đổi nội dung sách, đồng thời tiết kiệm chi phí cho học sinh và xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển kinh tế là rất cần thiết, nhưng cuối cùng phục vụ người dân đó là giáo dục và y tế, vì liên quan đến mọi nhà, mọi người. Và đây là nền tảng quan trọng để phát triển đất nước mà trong Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo và các nghị quyết có liên quan đều nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định những thành quả của giáo dục và đào tạo Việt Nam trong suốt nhiều năm qua, người Việt Nam phát huy truyền thống hiếu học, học sinh thông minh, nhiều thành tích, nhất là trong các kỳ thi quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là vốn quý cần khơi dậy để có nguồn nhân lực tốt cho đất nước.

Với không khí đổi mới giáo dục và đạo tạo đang quyết liệt, một tinh thần đổi mới sáng tạo trong giáo dục và đào tạo đang diễn ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nắm bắt thời cơ này để đề xuất các biện pháp thúc đẩy đổi mới, phục vụ sự phát triển của đất nước. Trong đó cần thúc đẩy, vận dụng công nghệ mới trong giảng dạy.

“Cần phải thúc đẩy vận dụng công nghệ mới trong giảng dạy, nhất là trực tuyến, học tập dưới nhiều hình thức phong phú, xây dựng môi trường tự học, tự đào tạo, gắn đào tạo nghiên cứu với thực tiễn, gắn giáo dục đào tạo với công nghệ. Ở đây có một điều mà ai cũng mong muốn, đó là lưu ý xóa mù chữ cả trong sử dụng công nghệ. Điều này rất cần cho xây dựng công dân điện tử, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh của sự phát triển đất nước. Đó là vấn đề giáo dục người lớn, tinh thần học tập suốt đời. Tôi thấy sự trì trệ lớn lắm, do sự không phấn đấu, không học tập, không xông pha vào công việc, qua công việc chúng ta rèn luyện, học tập, trưởng thành để chống sự trì trệ của đất nước, chống lại sự kém sáng tạo trong công việc. Chỉ “bổn cũ chép lại” ngày hôm qua giống ngày hôm nay đất nước khó phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đối với vấn đề phát triển đội ngũ giáo viên, Thủ tướng cho rằng có thể coi đây là yếu tố quyết định trong đổi mới giáo dục. Theo đó cần quy hoạch lại cơ sở các trường sư phạm; chú ý chất lượng đào tạo giáo viên, kể cả đầu vào sư phạm; chính sách chế độ cho giáo viên; truyền thông và tôn vinh người thầy theo văn hóa “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam; đổi mới phương pháp giảng dạy. Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh việc đào tạo giáo viên định kỳ là rất cần thiết theo quan điểm mà các đại biểu dự họp nêu ra, tạo điều kiện cho các giáo viên tiếp thu cái mới, nâng cao chất lượng giáo viên.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy khởi nghiệp trong các trường đại học, coi đây là một mục tiêu của các trường. Thủ tướng cho rằng “một người lo bằng một kho người làm” chính là gắn với vấn đề khởi nghiệp và điều này càng quan trọng đối với đất nước chúng ta, hiện năng suất lao động còn thấp.

Đối với việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng đồng tình với nhiều đại biểu phát biểu tại cuộc họp là cần xét duyệt chặt chẽ hơn:

“Cần phải siết chặt chẽ hơn trong việc xét duyệt giáo sư, phó giáp sư, rõ ràng hơn về tiêu chí, không hạ chất lượng các tiêu chí. Nhiều ý kiến nêu ra hôm nay còn cao hơn, chất lượng hơn, đòi hỏi chất lượng cả ứng cử viên, lẫn thành viên hội đồng giáo sư phải cao hơn. Tính minh bạch, công khai được công nhận hơn để không có tiếng xấu về vấn đề này. Chúng ta không thể nào chạy theo quốc tế hóa hoàn toàn nhanh chóng ở Việt Nam, vì liên quan chính sách chế độ, liên quan đến nhiều vấn đề về sau. Nhưng  xu hướng làm sao tiếp cận nhanh hơn, tốt hơn, có lộ trình nhanh hơn tốt hơn đối với hội nhập quốc tế đối về vấn đề giáo sư. Đó là dành cho các trường về vấn đề này, nhưng bước đi, một lộ trình về vấn đề này phải được đặt ra đối với nền giáo dục Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Về vấn đề tự chủ đại học, đánh giá cao ý kiến của các đại biểu dự họp và nhấn mạnh đây là hướng đi quan trọng sau khi các trường tự chủ, Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ còn quản lý nhà nước về quy hoạch, khảo thí và những vấn đề khác về chất lượng, thanh tra giáo dục. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất để có cách hiểu và chỉ đạo thống nhất với tinh thần hướng tới tiếp cận mới, áp dụng tự chủ đại học với cách làm phù hợp ở Việt Nam. Trước hết là chọn một số trường đại học tự chủ với số lượng cần thiết thay vì 3,4 trường như hiện nay, để từ đó rút ra kết luận và nhân rộng mô hình.

Thủ tướng cũng tán thành với các đại biểu về việc tự chủ về học thuật, về tổ chức, về tài chính… Trong đó, tự chủ về tài chính không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa. Trường đại học có thể quyết định mời một giáo sư, một giảng viên nổi tiếng về giảng dạy và có quyền quyết định trả lương để trường nổi tiếng, nâng cao uy tín, thương hiệu.

Đối với vấn đề sách giáo khoa, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt ban hành sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng yêu cầu đổi mới phương pháp của Ủy ban và Hội đồng, đó là lưu ý vấn đề số hóa và một số cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, áp dụng công nghệ. Các thành viên Hội đồng cần cố gắng nỗ lực làm việc không ngừng, đóng góp nhiều hơn cho phát triển giáo dục nước nhà tốt hơn trong thời gian tới.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.