Nhiều cơ hội cho học sinh không vào được lớp 10 công lập

.

Các thí sinh trên địa bàn thành phố vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập và dự kiến sẽ có khoảng hơn 4.000 em không vào được các trường này. Tuy vậy, vẫn còn nhiều cơ hội cho học sinh khi Sở GD-ĐT không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường THPT ngoài công lập.

Một giờ học của học sinh ở Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2.
Một giờ học của học sinh ở Trung tâm giáo dục thường xuyên số 2.

Theo thông tin từ Sở GD-ĐT, tổng số học sinh lớp 9 hiện nay là hơn 14.400 em, trong khi đó chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2018-2019 ở các trường công lập tại thành phố chỉ có khoảng hơn 10.200, tức sẽ có 4.200 em không vào được các trường THPT công lập. Tuy vậy, các em vẫn có thể tìm một “suất” ở các trường tư thục hoặc đi học nghề.

Hiện nay, Sở GD-ĐT giao quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập như: tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, hình thức tuyển sinh, chủ động thời gian tuyển sinh. Định mức tối đa 40 học sinh/lớp.

Năm học 2017-2018, Trường THPT Quang Trung (quận Hải Châu) có 13 lớp với 550 học sinh, gồm 4 lớp 10, 5 lớp 11 và 4 lớp 12. Bắt đầu từ ngày 25-6, nhà trường sẽ nhận hồ sơ vào học lớp 10 THPT. Thầy Phạm Sỹ Liêm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường tuyển sinh theo hình thức xét học bạ và chỉ không nhận hồ sơ đối với những học sinh có học lực yếu và hạnh kiểm trung bình. Học sinh vào học lớp 10 tại trường sẽ được học 100% trên máy tính và ti-vi màn ảnh rộng bằng bài giảng điện tử E-learning.

“Chúng tôi đã tập huấn cho giáo viên soạn giáo án điện tử và dạy bằng máy chiếu mỗi ngày lên lớp. Bởi vậy, học sinh cũng sẽ quen với cách học này và thành thạo công nghệ thông tin”, thầy Liêm nói. Nhà trường cũng đã biên soạn 38 cuốn sách các câu hỏi trắc nghiệm về các bộ môn để giúp học sinh luyện tập và thi tốt nghiệp đạt kết quả theo yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT.

Nếu như Trường THPT Quang Trung có thế mạnh về công nghệ thông tin thì Hệ thống giáo dục Sky-Line lại nghiêng về đào tạo chú trọng tiếng Anh, thể hiện ngay ở yêu cầu đầu vào. Để được học tại trường, học sinh phải trải qua phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời bảo đảm yêu cầu về trình độ tin học, có học lực khá và đạo đức tốt. Thời gian tuyển sinh từ nay đến hết 31-7 hoặc dừng tuyển khi chỉ tiêu đủ với 2 lớp 10 gồm 64 học sinh cho năm học 2018-2019.

Việc giao quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ngoài công lập tuyển sinh. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT FPT. Ảnh: P.TRÀ
Việc giao quyền tự chủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ngoài công lập tuyển sinh. Trong ảnh: Một giờ học tại Trường THPT FPT. Ảnh: P.TRÀ

Trường THPT FPT Đà Nẵng (quận Sơn Trà) lại tuyển sinh vào lớp 10 từ tháng 3 năm nay. Để vào trường, các em phải trải qua kỳ thi xét tuyển đầu vào với bài thi môn Toán logic. Thầy Lê Văn Duẩn, Hiệu trưởng Trường THPT FPT Đà Nẵng cho biết, năm nào trường cũng tuyển sinh 2 đợt vào tháng 3 và tháng 5.

Hiện nay, nhà trường đã tuyển được 300 học sinh lớp 10 cho năm học 2018-2019, trong đó có 120 em tuyển thẳng (tiêu chí gồm 4 năm học cấp 2 đạt học sinh giỏi hoặc có giải quốc gia). Nhà trường cũng có chính sách khuyến khích đối với học sinh giỏi.

Tổng kết cuối năm học vừa qua, nhà trường đã cấp học bổng cho 11 học sinh với số tiền 250 triệu đồng. Học sinh học tại trường sẽ được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, được học kinh doanh, kỹ năng mềm, học lập trình Java, nghệ thuật và võ Vovinam song song với các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT.

“Việc Sở GD-ĐT không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngoài công lập đã giúp chúng tôi chủ động được trong việc tuyển sinh và cách thức tuyển sinh phù hợp”, thầy Duẩn nói.

Ngoài những trường trên, học sinh còn có thể vào học các trường như: Trường phổ thông dân lập cấp 1, 2, 3 Hermann Gmeiner; Trường THPT Khai Trí; Trường THCS - THPT Hiển Nhân; Trường phổ thông quốc tế Singapore; Trường TH-THCS-THPT quốc tế Hoa Kỳ APU-Đà Nẵng. Năm học 2018-2019, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1, 2 và 3 của thành phố cũng tuyển sinh lớp 10 với tổng chỉ tiêu 720 học sinh/17 lớp.

Bên cạnh việc vào học ở các trường THPT ngoài công lập, các em còn có thể đăng ký học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố. Đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 150 em theo học các nghề như: hàn, công nghệ ô-tô, may, nghiệp vụ nhà hàng, điện công nghiệp…

Ông Phan Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào học nghề sẽ được miễn học phí 100%. “Học nghề sau khi tốt nghiệp lớp 9 thì các em sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian vì sau 3 năm có thể ra trường và làm việc nuôi sống bản thân, hoặc học tiếp lên cao đẳng nghề để trở thành thợ lành nghề. Hiện nay, số em đã tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng nghề ra trường hầu hết đều tìm được việc làm”, ông Sơn nói.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, đơn vị đã thực hiện việc không khống chế chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cho các trường THPT ngoài công lập từ 3 năm trở lại đây. Mặc dù tạo sự chủ động tuyển sinh cho các trường, nhưng Sở vẫn sẽ thực hiện vai trò hậu kiểm để xem  các trường có bảo đảm điều kiện đặt ra hay không.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.