Trong những ngày qua, trước hiện tượng thiếu sách giáo khoa cục bộ ở một vài nơi, ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định không để học sinh nào thiếu sách giáo khoa khi bước vào năm học mới.
Hiện tượng thiếu sách giáo khoa mà dư luận phản ánh trong mấy ngày gần đây chỉ là hiện tượng thiếu cục bộ và tạm thời. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần bình ổn giá sách giáo khoa trong cả nước trước thềm năm học mới.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Hiện tượng thiếu sách giáo khoa mà dư luận phản ánh trong mấy ngày gần đây chỉ là hiện tượng thiếu cục bộ và tạm thời. Nguyên nhân chủ yếu là do năm nay số lượng học sinh tăng đột biến ở các lớp đầu cấp, đặc biệt là ở lớp 1 (lớp 6 và lớp 10 cũng có tăng nhưng ít hơn), tập trung ở một số thành phố lớn nên dẫn đến tình trạng thiếu sách cục bộ. Việc thiếu sách cũng chỉ ở một vài đầu sách trong bộ sách. Những cửa hàng, nhà sách có hiện tượng thiếu sách phần lớn là những cửa hàng, nhà sách nhỏ lẻ chứ không thuộc hệ thống phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, có hiện tượng một vài Công ty Sách và Thiết bị trường học ở địa phương trước thông tin năm học tới sẽ thay sách giáo khoa mới nên nhập số lượng ít để tránh sách tồn kho.
Ngoài ra, năm nay ở nhiều nơi trên cả nước, tình hình thiên tai diễn biến cực đoan gây lũ, lụt, nhiều trường học bị ngập sâu trong nước nên số sách giáo khoa do nhà trường vận động học sinh để lại cho các em lớp dưới đã bị hỏng hoặc bị lũ cuốn trôi. Con số cụ thể khó ước tính được nhưng đối với những nơi bị ảnh hưởng thiên tai, luôn cần một lượng sách giáo khoa dự trữ tương đối để phục vụ kịp thời nhu cầu học tập của học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, cũng không loại trừ nguyên nhân những nhà sách nằm ngoài hệ thống cửa hàng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam những ngày qua đã nhằm vào tâm lý của phụ huynh học sinh gấp gáp chuẩn bị sách cho con trong thời gian cao điểm để “găm” hàng, “thổi” giá, gây bất ổn tình hình cung ứng sách giáo khoa. Tình trạng này tuy không xảy ra ở nhiều nơi nhưng đã có tác động xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý phụ huynh học sinh có con bước vào các lớp học đầu cấp.
Theo kế hoạch thường niên, để phục vụ năm học mới 2018 - 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa dựa trên kế hoạch đặt hàng của Công ty Sách - Thiết bị trường học các tỉnh thành và dựa trên thực tiễn phát hành các năm học trước.
Tính đến ngày 20/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành được 108,8 triệu bản sách giáo khoa, đạt 105% kế hoạch năm nay và vượt 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết thêm: Từ nay đến ngày khai giảng năm học mới (ngày 5/9) vẫn trong khoảng thời gian phát hành, cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới, tuy thời gian không còn nhiều nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu sách cục bộ; trước hết là nhanh chóng, chủ động cung ứng bổ sung các đầu sách còn thiếu trong các bộ sách đầu cấp.
Cụ thể, đến ngày 20/8, các đầu sách giáo khoa lớp 1 của các cửa hàng thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hà Nội đã ổn định tình hình cung ứng. Sách lớp 6, lớp 10 đã và đang được vận chuyển, phân phối đến hệ thống để đáp ứng tốt nhu cầu mua sách của khách hàng.
Tiếp đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho dự trữ một số lượng đáng kể sách giáo khoa đủ bộ của các lớp tại các công ty thành viên và các đối tác phát hành để sẵn nguồn phục vụ nhanh chóng, kịp thời những nhu cầu phát sinh.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin thị trường để kịp thời cung ứng đủ sách giáo khoa cho những địa bàn thiếu, đồng thời lập chế độ báo cáo thường nhật. Vào đầu giờ sáng hàng ngày, Giám đốc các đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại các miền, các công ty trực thuộc có báo cáo nhanh về tình hình cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn để Nhà xuất bản nắm được và có kế hoạch điều phối, ổn định thị trường cả nước. Bên cạnh đó, tăng cường các đoàn giám sát tỏa đi các địa phương để nắm bắt tình hình cung ứng sách giáo khoa. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã huy động nhiều nhà in vào cuộc theo phương án in gấp, vận chuyển nhanh, chỉ trong một vài ngày là có đủ sách đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo Báo tin tức