Miễn học phí: Mừng, nhưng... vẫn lo

.

Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ GD&ĐT thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cho cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập... trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (dự kiến vào tháng 10-2018). Đây là tin vui đối với phụ huynh, tuy nhiên vẫn còn không ít nỗi lo từ đề xuất này.

Miễn học phí cũng gây khó khăn không nhỏ cho các trường, nhất là những trường có số lượng học sinh đông. TRONG ẢNH: Một giờ học tại Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu.
Miễn học phí cũng gây khó khăn không nhỏ cho các trường, nhất là những trường có số lượng học sinh đông. TRONG ẢNH: Một giờ học tại Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu.

Năm nay có 2 con vào lớp 6 và lớp 8 Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), chị Lê Thị Thu (45 tuổi, ở quận Sơn Trà) không khỏi lo lắng dù gia đình không thuộc diện hộ nghèo.

“Tôi xem báo, đài biết có chủ trương miễn học phí nên thấy mừng. Với những gia đình cả hai vợ chồng làm nghề tự do, thu nhập không ổn định như chúng tôi thì miễn được đồng nào hay đồng nấy”, chị Thu bộc bạch.

Trong khi đó, có con chuẩn bị vào lớp 6, anh Nguyễn Hùng (43 tuổi, ở quận Thanh Khê) lo lắng: “Nếu được hỗ trợ học phí thì tốt quá, vì tôi có đến hai con đang đi học, nhưng không thu học phí thì liệu nhà trường có thu những khoản khác bù vào hay không?

Thực tế, vào đầu năm học, phụ huynh phải nộp những khoản khác nhiều hơn học phí. Bởi vậy, điều quan trọng là phải minh bạch các khoản thu, thu đúng, thu đủ chứ không phải miễn học phí là được”.

Hằng năm, Trường THCS Lê Độ có gần 1.500 học sinh theo học. Thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có đến hơn 20% học sinh thuộc diện hộ nghèo được miễn, giảm học phí nên hằng năm số học phí thu về chỉ khoảng 600 triệu đồng.

Khoảng 40% nguồn phí này được đưa về ngân sách, 60% sẽ được địa phương cấp ngược lại trường để chi cho các hoạt động giáo dục thường xuyên, chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo thầy Hùng, trong trường hợp miễn học phí, nghĩa là nhà trường không còn nguồn kinh phí trên nữa thì nhà trường sẽ cố gắng cân đối vì miễn học phí cấp THCS sẽ tạo thêm điều kiện học tập cho người dân, đặc biệt là con hộ nghèo có cơ hội học bậc cao hơn hoặc học nghề để kiếm sống.

Tuy nhiên, ở nhiều trường, nhất là các trường có số lượng học sinh đông, lãnh đạo nhà trường bày tỏ lo lắng khi không thu học phí. Đơn cử như Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu) có hơn 2.000 học sinh theo học mỗi năm.

Trung bình mỗi học sinh nộp 540.000 đồng học phí trong 9 tháng (60.000 đồng/tháng), như vậy, tổng học phí nhà trường thu trong năm học khoảng hơn 1 tỷ đồng. Gần 700 triệu đồng, tức 60% học phí trong tổng thu này được giữ lại giúp nhà trường có thể đầu tư trang thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động...

“Đây là chính sách nhân văn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, nguồn ngân sách cấp hiện nay cho các trường khá eo hẹp nên 60% học phí giữ lại cũng giúp trường có thêm khoản tiền để tái đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em học tập, thực hành.

Nếu không còn nguồn thu này thì rất khó khăn, bởi trường không có nguồn thu nào khác”, thầy Nguyễn Đức Tú Anh, Hiệu trường nhà trường bày tỏ.

Theo hiệu trưởng của một trường THCS trên địa bàn thành phố, miễn học phí THCS cần phải tính đến chuyện cấp ngân sách bù vào. Ngân sách Nhà nước ngày càng hạn hẹp, nhu cầu phát triển ngày càng lớn thì rõ ràng đây là bài toán khó.

“Chính sách này thực chất vẫn chưa quan trọng bằng việc bảo đảm đủ trường lớp, đủ trang thiết bị phục vụ học sinh. Hiện nay, còn nhiều trường trên địa bàn thành phố đã cũ, xuống cấp hoặc được xây dựng nhưng thiếu trang thiết bị thì việc đầu tư cần thiết hơn, cấp thiết hơn là miễn học phí”, vị này nói.

Cũng theo hiệu trưởng này, trong lúc đời sống giáo viên còn khó khăn, nếu phải cân nhắc giữa việc miễn, giảm học phí bậc THCS và tăng lương cho giáo viên thì nên chọn hướng tăng lương để giáo viên có động lực, tập trung dạy học.

Lâu nay, học sinh thuộc diện hộ nghèo đều đã được miễn học phí và học sinh có hoàn cảnh khó khăn đều được các trường linh động giảm học phí hoặc hỗ trợ học bổng, sách vở... nên không cần thiết phải miễn giảm đồng đều.

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, hằng năm, ngân sách Nhà nước sẽ chi thêm 4.730 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được Bộ GD&ĐT tính toán cân đối trong 20% chi ngân sách cho GD&ĐT.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

 

;
.
.
.
.
.
.