Tuyển sinh trực tuyến đầu cấp: Phụ huynh chưa mặn mà

.

Năm học 2018-2019 là năm thứ 2 ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến đầu cấp tiểu học và THCS. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa mặn mà với việc đăng ký trực tuyến.

Phụ huynh tìm hiểu thông tin về trường tại Trường tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu.
Phụ huynh tìm hiểu thông tin về trường tại Trường tiểu học Núi Thành, quận Hải Châu.

Hiện nay, theo khảo sát của chúng tôi ở nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố, số lượng phụ huynh đăng ký trực tuyến cho con học rất ít, ở nhiều trường con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đơn cử, tại Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Sơn Trà), thầy Phạm Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện nay chỉ có khoảng 5-7 phụ huynh đăng ký cho con học bằng hình thức trực tuyến, còn lại khoảng hơn 360 phụ huynh đều mang hồ sơ đến trường nộp và nhờ cán bộ nhà trường... đăng ký hộ.

“Nhiều phụ huynh trên địa bàn làm nghề biển hoặc là lao động phổ thông nên không biết đăng nhập vào mạng Internet để đăng ký trực tuyến, một số khác thì đưa đến trường nhờ hướng dẫn để làm cho nhanh. Bởi vậy chúng tôi phải cắt cử cán bộ trực ở trường để hướng dẫn phụ huynh”, thầy Hùng nói.

Tại nhiều trường khác, số phụ huynh đăng ký trực tuyến cũng rất ít so với tổng số hồ sơ nộp tại trường. Tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu), hiện chỉ có khoảng hơn 30 phụ huynh đăng ký trực tuyến, chiếm chưa đến 8% trong tổng số 380 phụ huynh đăng ký cho con vào lớp 1 tại trường và số còn lại chủ yếu nộp hồ sơ trực tiếp.

“Mình đâu có biết làm vì mới làm lần đầu. Hơn nữa lâu lâu mới làm một lần nên thôi mang đến trường nhờ các thầy cô đăng ký hộ cho nhanh vì đằng nào cũng phải đến trường nộp hồ sơ rồi”, chị Nguyễn Thị Thu (33 tuổi, ở quận Hải Châu), đăng ký cho con vào học lớp 1 Trường tiểu học Núi Thành bày tỏ.

Bên cạnh đó, theo đại diện lãnh đạo của nhiều trường tiểu học, THCS, có không ít trường hợp đăng ký bằng hình thức trực tuyến nhưng đến khi nhà trường kiểm tra hồ sơ thì không hợp lệ, thậm chí có trường hợp đã chuyển hộ khẩu đi rồi nhưng phụ huynh vẫn cứ đăng ký trên mạng. Một phụ huynh còn “vô tư” cho biết cứ ngỡ nhà trường không đi kiểm tra nên đăng ký… đại.

Hoặc có những trường hợp khi cán bộ nhà trường đi điều tra mới phát hiện “sót” học sinh như: bố mẹ đi công tác và ông bà ở nhà quên đăng ký cho cháu đi học, nhiều phụ huynh là lao động phổ thông không biết đăng ký trực tuyến nên chưa đăng ký… Điều này cũng đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường khi xét tuyển học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, hồ sơ dữ liệu điện tử rất cần thiết, vì phản ánh cả một quá trình học của các em suốt những năm học phổ thông. Thực tế tâm lý phụ huynh vẫn chưa quen với đăng ký học bằng hình thức trực tuyến và muốn đến trường để trao đổi thêm thông tin về trường mà con mình sẽ học.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới giáo dục đang là xu thế tất yếu nên việc áp dụng phần mềm tuyển sinh trực tuyến là cần thiết.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu thừa nhận hiện nay số phụ huynh đăng ký trực tuyến chưa nhiều mặc dù ngành đã chỉ đạo các trường tuyên truyền từ cuối năm học đến từng phụ huynh, thậm chí nhắn tin thông báo.

Tuy nhiên, do một số phụ huynh vẫn chưa bỏ được thói quen đến tận trường nộp hồ sơ nên đơn vị đã yêu cầu nhà trường cử cán bộ trực hỗ trợ phụ huynh trong mùa tuyển sinh. Theo bà Hà, nhờ có phần mềm trực tuyến mà ngành giáo dục có thể nắm được tình hình tuyển sinh cụ thể ở từng trường; giúp ngành có thể đưa ra những dự báo về tuyển sinh, giúp ích cho việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng và đầu tư giáo dục phù hợp tình hình.

“Chúng tôi đang liên kết các phần mềm trong ngành để có thể chuyển và kết nối dữ liệu thành sổ liên lạc điện tử từ mầm non lên các bậc học cao hơn”, bà Hà cho biết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.