Sở GD&ĐT vừa công bố Quy định tuyển sinh các lớp 1, 6, 10 năm học 2019-2020, trong đó có điểm mới là miễn thi và công nhận điểm 9, 10 đối với bài thi ngoại ngữ hệ số 1 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh (ảnh) cho biết thêm, để có chủ trương này, Sở đã căn cứ Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2012-2020” được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 7-2-2012 cùng những văn bản của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, qua tham khảo ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, các đơn vị trực thuộc, Sở ban hành phương án khung điểm các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để học sinh được miễn thi và công nhận điểm 9, 10 đối với bài thi ngoại ngữ hệ số 1.
* Xin ông cho biết mục đích, đối tượng hướng đến của chủ trương này là gì?
- Hiện nay, trên địa bàn thành phố, ngoại ngữ được dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non (dưới hình thức khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ làm quen) và tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông khác.
Ngoại ngữ được dạy gồm tiếng Anh, Pháp, Nhật (ngoại ngữ 1), Đức, Hàn (ngoại ngữ 2). Sở GD&ĐT đã bổ sung trang thiết bị chuyên dụng dạy học ngoại ngữ cho các đơn vị trường học; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện xã hội hóa chương trình tiếng Anh có yếu tố nước ngoài, chỉ đạo các trường thành lập CLB ngoại ngữ và sinh hoạt thường xuyên, trong đó khuyến khích mời người nước ngoài tham dự, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh giao tiếp với người bản ngữ.
Việc dạy học tại các trung tâm ngoại ngữ cũng đa dạng hơn, ngoài ngôn ngữ nêu trên còn có tiếng Trung và tiếng Tây Ban Nha. Đà Nẵng cũng đã có một số trung tâm khảo thí đủ năng lực, được ủy nhiệm tổ chức thi, cấp chứng chỉ quốc tế. Chủ trương miễn thi như trên sẽ tạo tính kết nối giữa việc dạy học ngoại ngữ tại nhà trường, tại các trung tâm, việc dạy học ngoại ngữ qua các phương tiện nghe nhìn khác, tạo động lực và hướng đến chuẩn quốc tế trong GD&ĐT.
Đối tượng áp dụng là học sinh lớp 9 tham gia dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT với thời hạn sử dụng của chứng chỉ còn giá trị đến ngày thi theo quy định của Sở GD&ĐT thành phố. Cụ thể, học sinh tham gia dự thi 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Nếu có chứng chỉ theo quy định, học sinh chỉ dự thi môn Toán, Văn, còn môn Ngoại ngữ được tính điểm 9, 10. Lưu ý là không áp dụng cách quy đổi này để tính điểm môn chuyên đối với học sinh thi vào lớp chuyên ngoại ngữ tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Điểm mới của kỳ thi lớp 10 năm học 2019-2020 là học sinh được miễn thi ngoại ngữ nếu có các chứng chỉ quốc tế theo quy định. |
* Xin ông cho biết chi tiết quy đổi cụ thể?
- Học sinh THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày thi (2-6-2019) được miễn thi môn Ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi như sau:
Đối với tiếng Anh, chứng chỉ TOEFL Junior có điểm tối thiểu 655 được quy đổi thành 9 điểm, tối đa 745 điểm được quy đổi thành 10 điểm; chứng chỉ TOEFL ITP có điểm tối thiểu 337 được quy đổi thành 9 điểm, đối đa 450 điểm quy đổi thành 10 điểm. Chứng chỉ TOEFL iBT đạt tối thiểu 31 điểm được quy đổi thành 9 điểm, tối đa 45 điểm quy đổi thành 10 điểm. Chứng chỉ IELTS do - IDP (International Development Program) và British Council (BC) điểm tối thiểu 3.5 được quy đổi thành 9 điểm và 4.0 điểm được quy đổi thành 10 điểm. Tất cả các chứng chỉ này do Educational Testing Service (ETS) cấp.
Chứng chỉ KET/KET FOR SCHOOL đạt A2/120 điểm được quy đổi thành 9 điểm, đạt B1/140 điểm được quy đổi thành 10 điểm và có chứng chỉ FCE, CAE. Các chứng chỉ này do đơn vị Cambridge English Assessment cấp.
Đối với tiếng Pháp, các chứng chỉ do Trung tâm Nghiên cứu sư phạm quốc tế (Centre International d’Etudes Pedagogiques - CIEP) cấp, cụ thể: TCF đạt tối thiểu 200 điểm được quy đổi thành 9 điểm, đạt 300 điểm được quy đổi thành 10 điểm. Chứng chỉ DELF đạt A2 quy đổi thành 9 điểm và B1 quy đổi thành 10 điểm.
Đối với tiếng Đức, các chứng chỉ do Ủy ban giáo dục phổ thông Đức tại nước ngoài (ZfA), cụ thể: Goethe Zertifikat, Deutsches Sprachdiplom (DSD) và Zertifikat đạt A2 quy đổi thành 9 điểm, đạt B1 quy đổi thành 10 điểm. Đối với tiếng Nhật, chứng chỉ JLPT do Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation) cấp, đạt N4 quy đổi thành 9 điểm và N3 quy đổi thành 10 điểm.
Thời hạn sử dụng của các loại chứng chỉ quốc tế là 24 tháng kể từ ngày cấp. Trường hợp học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định như trên nhưng có nguyện vọng tham gia bài thi Ngoại ngữ thì đăng ký dự thi như các học sinh khác. Điểm bài thi Ngoại ngữ là điểm chính thức của học sinh.
Đối với các loại chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương các trình độ nêu trên, căn cứ các văn bản cho phép của các cấp có thẩm quyền, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục xem xét.
* Ngành giáo dục thành phố gặp những khó khăn, trở ngại gì khi thực hiện chủ trương này, thưa ông?
- Trong quá trình ban hành chủ trương, Sở GD&ĐT cũng đã nhận những ý kiến trái chiều, như: việc học và thi chứng chỉ tốn kém; khó khăn trong việc phát triển ngoại ngữ ở địa bàn huyện Hòa Vang; việc kiểm chứng và xử lý dữ liệu trong thi tuyển... Những khó khăn đó đều có thể giải quyết bằng hệ thống đồng bộ các giải pháp.
Công bố chủ trương này, chúng tôi muốn trước hết là tạo đích hướng đến cụ thể cho học sinh và sau đó là khát vọng hội nhập giao lưu ngôn ngữ của tuổi trẻ Đà Nẵng.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC PHÚ thực hiện