Đẩy mạnh giáo dục an toàn giao thông cho học sinh

.

Tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh thời gian gần đây đã dấy lên hồi chuông cảnh báo nên cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) để hạn chế những hậu quả đáng tiếc tương tự xảy ra.

Sân khấu hóa tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.
Sân khấu hóa tuyên truyền an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.

Mới đây, sáng 2-3, em L.Q.T. (15 tuổi, ngụ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, học sinh lớp 9) điều khiển xe đạp điện đi học. Khi xe đổ dốc cầu Hòa Xuân (địa phận phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) thì T. vượt trái xe tải lưu thông cùng chiều rồi tông vào trụ cao su mềm ngã xuống, bị bánh sau của xe tải cán chết tại chỗ.

Trước đó, cuối năm 2017, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra giữa xe máy điện do em Lê Thị Hồng A. (học sinh lớp 8) điều khiển với xe ben chạy từ đường Lê Trọng Tấn ra đường Trường Chinh khiến em A. tử vong.

Tương tự, đầu tháng 1-2019, em Lê Thị Hoàng M. (18 tuổi, học sinh THPT) điều khiển xe máy điện đi học. Khi đến gần giữa cầu Cẩm Lệ, M. bất ngờ va chạm với xe gắn máy chạy cùng chiều, ngã xuống đường và bị ô-tô tải cán qua người. Hậu quả, M. chết tại chỗ.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên địa bàn thành phố thấp hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, để xảy ra hậu quả của những vụ tai nạn như trên rất đáng tiếc, quá đau lòng cho xã hội, nhà trường và gia đình. Theo ông Cường, có nhiều nguyên nhân, trong đó các em chưa học Luật Giao thông đường bộ mà chỉ được học những kiến thức cơ bản trong nhà trường.

Các gia đình mua sắm phương tiện xe máy điện, xe đạp điện cho con mình đi lại thuận tiện trong khi các em chưa có kỹ năng để xử lý tình huống, như: cách sử dụng  phanh, ga; giảm tốc khi thấy phương tiện đi chiều ngược lại; cách sang đường, quay đầu… Đặc biệt, tay lái các em còn yếu, chưa có kỹ năng, kinh nghiệm để xử lý các tình huống, sự cố bất ngờ khi lưu thông trên đường. Điều quan ngại nhất là các em chạy xe máy điện luôn quá tốc độ cho phép.

Thông tư số 39/2013/TT-BGTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2014 quy định: xe đạp điện có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/giờ và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40km/giờ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, học sinh THCS, THPT khi đi xe máy điện, xe đạp điện đều chạy với vận tốc khá lớn, thiếu quan sát, rất dễ xảy ra va chạm trên đường.

Nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh, trong thời gian qua, Ban ATGT thành phố đã có chương trình tuyên truyền cho đối tượng học sinh, mục đích giúp các em hiểu biết việc đi xe máy điện phải có đăng ký theo quy định; phải bảo đảm tốc độ tham gia giao thông; một số biện pháp về an toàn giao thông khi tham gia giao thông.

“Ở góc độ chuyên môn, Sở GTVT đang khuyến cáo học sinh nên sử dụng xe buýt công cộng. Thời gian qua, học sinh đã tham gia một số tuyến xe buýt và số lượng cũng tăng lên. Do đó, sở sẽ đặt mục tiêu lớn hơn trong thời gian đến, để học sinh sử dụng phương tiện này ngày càng nhiều hơn bởi xe buýt là phương tiện an toàn cho học sinh”, ông Cường cho hay.

Trong khi đó, theo Thượng tá Lê Văn Lực, Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố, việc xử lý ATGT liên quan đến học sinh đã được lực lượng chức năng làm thường xuyên, thông qua xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. “Trong quá trình tuần tra, kiểm soát xử lý học sinh vi phạm giao thông, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở các cháu, qua đó cũng hạn chế tình trạng học sinh vi phạm”, Thượng tá Lê Văn Lực cho hay.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.