Rút kinh nghiệm các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2019, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi nỗ lực học tập để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Theo Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 có nhiều điểm mới; trong đó, đáng chú ý nhất chính là nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình lớp 12 của thí sinh.
Hiện tại, Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa các môn để giáo viên và học sinh (HS) tham khảo.
Thầy Nguyễn Đức Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 là bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ công thức tính điểm thi (70% điểm bài thi, 30% điểm trung bình lớp 12 của thí sinh) sẽ khiến nguy cơ rớt tốt nghiệp dễ tăng hơn. “Trước đây, phương thức xét là 50/50 thì mức độ an toàn cao hơn. Điểm thi hiện nay quyết định 70% kết quả tốt nghiệp. Vì vậy, nhà trường cần chú tâm hơn trong việc giảng dạy của giáo viên cũng như tạo điều kiện tốt cho các em học sinh”, thầy Phước chia sẻ.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Kim Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền cho biết, việc tính điểm thi những năm trước là 50/50 thì tỷ lệ học sinh của trường đỗ tốt nghiệp rất cao. Khi Bộ GD-ĐT đưa ra những thông tin mới cho kỳ thi sắp tới, nhà trường tiến hành khảo sát và so sánh thì phần trăm đỗ tốt nghiệp thấp hơn, đặc biệt là nguy cơ cho các em có học lực dưới trung bình. Dẫu vậy, thuận lợi là chương trình thi tập trung chủ yếu ở khối 12 nên các thầy cô sẽ tổ chức tốt công tác ôn tập để các em có điểm thi cao.
Trong khi đó, nhận xét về điểm đổi mới của Bộ GD-ĐT, thầy Nguyễn Thành Quý, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng, lượng điểm phụ thuộc vào năng lực học tập của HS sẽ đánh giá được năng lực. Riêng đối với môn Toán, các em phải bám sát vào chương trình, chủ yếu là khối 12, thêm vào đó là các đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Đối với HS giỏi, cần giải những bài toán nâng cao hơn. Với các môn thi khác, các em cần cố gắng chuyên tâm hơn, giải nhiều đề, nhiều bài để thi làm tốt hơn.
Theo thầy Phan Quốc Huy, giáo viên dạy Vật lý tại Trung tâm luyện thi Vật lý Quốc Huy, những điểm mới của kỳ thi năm nay ngoài việc chú trọng tính khách quan, công bằng, tránh được sự gian lận trong thi cử thì việc chú trọng chương trình của lớp 12 sẽ giảm áp lực cho HS. HS chỉ cần học đều là có thể đỗ tốt nghiệp.
“Cái khó của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay là phương thức tính điểm nên đòi hỏi HS phải nỗ lực tốt trong quá trình làm bài thi, bởi nó quyết định 70% điểm thi tốt nghiệp”, thầy Huy chia sẻ.
Trước những thay đổi này, một số HS cũng rất lo lắng. Em Nguyễn Thị Ngọc Trinh (HS Trường THPT Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Vì cách tính điểm khó hơn những năm trước nên em sẽ cố gắng học nhiều hơn. Hiện nay, không chỉ học trên lớp buổi sáng, thầy cô còn tạo điều kiện, mở lớp bồi dưỡng ôn tập thêm cho HS vào buổi chiều”.
Trong khi đó, em Nguyễn H. (một HS trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018) trăn trở: “Năm trước, em sơ suất nên trượt tốt nghiệp. Khi đọc được những thông tin về việc xét tốt nghiệp trong kỳ thi năm nay, em cũng khá lo lắng. Tuy nhiên, em sẽ nỗ lực để đạt kết quả tốt và đỗ vào một trường đại học nào đó. Hiện em đang tập trung học ngày, học đêm để đạt kết quả tốt”.
NGỌC PHÚ - THÚY NGÂN