Là Đại học (ĐH) vùng trọng điểm quốc gia được xếp hạng thuộc top ĐH hàng đầu Việt Nam, hai năm liền thuộc top 400-500 ĐH tốt nhất châu Á (theo QS-Asia 2018); với 2.500 giảng viên, cán bộ, gần 500 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ; quy mô đào tạo 60.000 sinh viên, mỗi năm cung cấp gần 10.000 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thuộc nhiều lĩnh vực và 150 chuyên ngành, ĐH Đà Nẵng giữ vị trí quan trọng và là nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng (GĐ) về một số giải pháp cho vấn đề này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng (thứ 6 từ trái qua) và lãnh đạo Đại học Đà Nẵng khánh thành Tòa nhà thông minh Smart Campus tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. |
* Thưa ông, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, ĐH Đà Nẵng có kế hoạch, giải pháp gì để triển khai thực hiện?
- Nghị quyết số 43-NQ/TW là bước tiếp của Nghị quyết số 33/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) với mục tiêu, nhiệm vụ cao hơn; khơi đúng và đúng lúc thành phố đang cần có động lực mới, nguồn lực mới. Tôi cho rằng, nói nhân lực là nguồn lực quan trọng cho phát triển là không mới nhưng từ tư duy đến hành động thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực thì chưa bao giờ cũ. Khai thác tài nguyên thiên nhiên, đất đai, lợi thế biển và vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng đã ở mức cao và dần cạn kiệt. Khi thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, các nguồn lực đó đã được phát huy bằng quyết tâm rất cao và khát vọng đổi mới “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo, nhân dân thành phố. Vì vậy, tài nguyên tốt nhất của Đà Nẵng là tri thức, nhân lực chất lượng cao.
ĐH Đà Nẵng xác định các giải pháp để thu hút, đào tạo, phát triển nhân lực cho các lĩnh vực, ngành mũi nhọn, đó là: thu hút, tạo nguồn tuyển sinh “giữ chân” học sinh THPT ưu tú, tài năng của chính Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên; chuyển dịch lĩnh vực, ngành nghề đào tạo sang các ngành mũi nhọn. Đào tạo theo “đặt hàng”, các dự án đầu tư trọng điểm, nhu cầu doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng lớn... như “Tọa đàm mùa Xuân 2019” vừa qua cho thấy sự “khát” nhân lực chất lượng cao. Đầu tư nhiều nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo (CTĐT), trước hết là các ngành “công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, du lịch...” phải tiếp cận, đạt chuẩn quốc tế.
Kết nối thực chất “3 nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) ngay từ khâu dự báo, quy hoạch, tham gia đào tạo và tuyển dụng. Khai thác, hướng ra thị trường lao động quốc tế tận dụng các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (AEC, EVFTA, CPTPP...) để gia tăng cơ hội việc làm và tạo hệ sinh thái khởi nghiệp. Tham mưu chính sách cùng thành phố thu hút, đãi ngộ, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, nghiên cứu, chuyên gia từ nguồn giảng viên các trường ĐH... Đây chính là nguồn lực “dư địa” còn rất tiềm năng. Không dừng lại ở công tác giảng dạy, nghiên cứu, “hiến kế”, phản biện mà đội ngũ này cần thực sự là lực lượng nòng cốt trong các lĩnh vực mà thành phố đang cần.
Là ĐH vùng trọng điểm quốc gia, bằng uy tín và truyền thống, ĐH Đà Nẵng luôn thu hút được nhiều sinh viên giỏi từ khắp mọi miền cả nước đến học. Đây chính là điều kiện tốt để Đà Nẵng thu hút, “giữ chân” những sinh viên ưu tú nhất ở lại làm việc, đóng góp cho thành phố. Thống kê những năm gần đây cho thấy, phần lớn sinh viên ưu tú tốt nghiệp có xu hướng tìm việc làm ở các doanh nghiệp lớn, các khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì thế để “giữ chân” được lực lượng này thì môi trường và cơ hội việc làm tốt có ý nghĩa rất quan trọng.
* Nghị quyết số 43-NQ/TW chỉ rõ “nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) của các trường ĐH đạt chuẩn quốc tế”. Ông có thể làm rõ hơn những giải pháp thực hiện?
- Cũng như thành phố cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì ĐH Đà Nẵng cũng đứng trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng trường ĐH đạt chuẩn quốc tế. ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiểm định các chương trình đào tạo (CTĐT), hiện đã có 18 CTĐT đã kiểm định, 15 CTĐT đạt chuẩn châu Âu CTI và Đông Nam Á AUN-QA và theo lộ trình đến năm 2025 phải có ít nhất 60 CTĐT phải đạt chuẩn quốc tế.
Các trường thành viên đang áp dụng các mô hình dạy-học tiên tiến như nước ngoài: học qua dự án (Project based leanrning), học theo chu trình CDIO (Conceive, Design, Impement và Operate), trải nghiệm học kỳ doanh nghiệp (Learning Express...). Đột phá khâu thực tập, thực hành, thí nghiệm và bồi dưỡng kỹ năng mềm và ngoại ngữ (theo chuẩn khung 6 bậc châu Âu) giúp sinh viên hội nhập “công dân toàn cầu”.
Giải pháp mấu chốt là sẽ tiếp tục nâng tầm đội ngũ giảng viên, thu hút chuyên gia quốc tế, cử cán bộ đào tạo ở nước ngoài, trao đổi giảng viên với các ĐH danh tiếng, tham gia các dự án nghiên cứu chung (Eramus +, Hub4growth, Emma, Usaid...), tổ chức nhiều hội nghị khoa học và công bố quốc tế tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0...
ĐH Đà Nẵng sẽ khơi dậy tiềm năng 40 CTĐT tiên tiến-chất lượng cao, 60 nhóm nghiên cứu-giảng dạy (Teaching Reseach Team TRT), 35 viện, trung tâm khoa học công nghệ (KHCN)... gắn với các địa chỉ “khát nhân lực chất lượng” như: khu Công nghệ cao, khu Công nghệ thông tin tập trung, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội, Công viên phần mềm...
Thực tế chúng ta đang có những trường ĐH tốt, giàu truyền thống như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế... (từ năm 2017 Trường ĐH Bách khoa đã kiểm định, đạt chuẩn chất lượng châu Âu HCERES). Tuy nhiên, cần khơi thông, tháo gỡ “điểm nghẽn” về đầu tư cơ chế, tài chính, đất đai; huy động các nguồn lực xã hội hóa, dự án đối tác công tư... cho các trường như: Đề án Trường ĐH Công nghệ thông tin Việt-Hàn, Trường ĐH Quốc tế (từ giai đoạn 1 của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh), Bệnh viện thực hành cho Khoa Y Dược-ĐH Đà Nẵng... mới có thể trở thành các trường ĐH có chất lượng cao, tiếp cận chuẩn quốc tế.
Những năm qua, các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đã căn bản đổi mới được chương trình đào tạo tiếp cận theo các nước phát triển. Vì thế, có thể nói về mặt chương trình, chúng ta có thể hội nhập được nhanh. Cái khó ở đây là cơ sở vật chất, trang thiết bị để giảng dạy theo chuẩn quốc tế hiện chúng ta đang còn một khoảng cách khá xa. Các ngành kinh tế, quản lý thì không có vấn đề gì nhưng các ngành kỹ thuật, công nghệ hiện đang gặp phải thách thức rất lớn. Thiếu trang thiết bị phục vụ thực hành, nghiên cứu, chúng ta khó có thể đào tạo được thế hệ sinh viên sáng tạo, thích ứng nhanh với môi trường làm việc luôn thay đổi.
Dự án xây dựng Làng ĐH Đà Nẵng vừa được Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, điều chỉnh, xây dựng đồ án phân khu 1/2.000 và bước đầu đã có hướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ. Cùng với việc xây dựng khuôn viên giảng đường hiện đại, ĐH Đà Nẵng sẽ tìm kiếm các nguồn đầu tư khác để tăng cường cơ sở vật chất, thí nghiệm, thực hành. Đây chính là những giải pháp trọng tâm để hiện thực một trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu quốc gia, ngang tầm quốc tế, không chỉ cho Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn cho cả khu vực miền Trung.
* Vậy vai trò “trung tâm”, “liên kết vùng” của ĐH Đà Nẵng thời gian đến sẽ thể hiện như thế nào, đặc biệt đối với nhiệm vụ xây dựng khu công nghệ cao và các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo?
- Điểm nhấn của Nghị quyết số 43-NQ/TW được nhân dân đón đợi, kỳ vọng đó là tinh thần kết nối để Đà Nẵng làm “hạt nhân” của chuỗi đô thị và “cực tăng trưởng” tạo “không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển vùng”. Do đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW không phải là sự ưu ái của Trung ương trao “bảo bối” cho riêng Đà Nẵng mà là nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Xét ở góc độ GDĐT, KHCN, ĐH Đà Nẵng cũng giữ vai trò hạt nhân trong quy hoạch mạng lưới ĐH, tham gia “phát triển vùng” như Luật Giáo dục ĐH sửa đổi: “ĐH vùng thực hiện nhiệm vụ quốc gia, chiến lược phát triển vùng cho đất nước”.
Như đã nói trên, việc giữ chân sinh viên ưu tú tốt nghiệp ở lại làm việc tại Đà Nẵng sẽ thực sự khả thi khi môi trường doanh nghiệp, sản xuất đáp ứng được nhu cầu nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển khu công nghệ cao của thành phố vì thế sẽ là giải pháp hữu hiệu để thu hút nhân tài. Từ đó chúng ta mới có cơ hội xây dựng thành phố thành “trung tâm sáng tạo, khởi nghiệp”.
Thế giới ngày nay cạnh tranh về ý tưởng sản phẩm chứ không phải chỉ ở công nghệ. Khi có ý tưởng tốt thì việc đưa thành hiện thực sẽ không quá khó khăn như trước. Vì vậy, Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm liên kết vùng khi thực sự trở thành một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển của các địa phương khác trong khu vực.
Từ năm 2017, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương cho ĐH Đà Nẵng áp dụng cơ chế “tương tự ĐH Quốc gia”. Năm 2018, ĐH Đà Nẵng đã bước đầu ký kết hợp tác với tỉnh Kon Tum, Sở KH-CN thành phố, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng..., triển khai các mô hình hợp tác quốc tế trong đổi mới sáng tạo, tham gia Đề án “thành phố thông minh” (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Viện Công nghệ Quốc tế - DNIIT, Học viện Microsoft, Trung tâm hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo thuộc dự án Eramus+)...
Theo tinh thần “đặt hàng” của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa khi về thăm và làm việc với ĐH Đà Nẵng (tháng 8-2018), khi có đề án của thành phố, ĐH Đà Nẵng có thể sẵn sàng đảm nhận cung ứng nhân lực cho Khu Công nghệ cao. Để Đà Nẵng thực sự là “trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” như Nghị quyết số 43-NQ/TW, cần xây dựng ngay cơ chế, chính sách đặc thù giao các trường ĐH thực hiện đề án cung cấp nhân lực tinh hoa nhằm thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ cao (Samsung, Intel, E.Silicon, Thaco, FPT, UAC Hoa Kỳ...). Thành công của một bộ phận không nhỏ cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng tốt nghiệp các chương trình tiên tiến được tuyển chọn, làm việc tại các địa chỉ trên cho thấy tính khả thi của đề xuất này.
* Xin cảm ơn ông!
HẢI ĐĂNG thực hiện