Nâng cao chất lượng giáo dục từ hội thi giáo viên dạy giỏi

.

Nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề cốt lõi trong hoạt động dạy học, trong đó, giáo viên là nhân tố quyết định. Vì vậy, hội thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) là dịp để các giáo viên (GV) tự nâng cao tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở trường học.

Các giáo viên thực hiện bài kiểm tra năng lực.
Các giáo viên thực hiện bài kiểm tra năng lực.

Năm học 2018-2019, 239 GV (165 GV THCS, 74 GV THPT) tham gia hội thi GVDG cấp thành phố do Sở GD-ĐT tổ chức, gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ. Hiện, 195 giáo viên đã vượt qua phần thi kiểm tra năng lực để chuẩn bị bước vào phần thi thực hành diễn ra vào tháng 4-2019.

Th.S Phạm Thị Trinh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, để tham gia hội thi GVDG cấp thành phố, GV phải có ít nhất một sáng kiến đã triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh. Sáng kiến phải được viết thành báo cáo và đã được cấp quận (đối với THCS) và cấp trường (đối với THPT) công nhận, xếp loại trong năm 2018-2019.

Bên cạnh đó, GV tham gia dự thi cấp thành phố phải có thời gian trực tiếp giảng dạy trên 3 năm; có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và tổ chức tốt; quản lý lớp học được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao, được lãnh đạo nhà trường xác nhận; đánh giá, xếp loại khá trở lên theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học; có giấy chứng nhận đạt giáo viên dạy giỏi cấp quận (đối với THCS), cấp trường (đối với THPT) 2 lần trong 4 năm trước liền kề, được tuyển chọn qua vòng thi cấp trường, cấp quận và được lãnh đạo các đơn vị đề cử. 

Cô giáo Phan Nguyễn Tố Quyên, giáo viên Địa lý Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) là 1 trong 195 giáo viên vượt qua bài kiểm tra năng lực hội thi GVDG cấp thành phố. Tham gia hội thi, cô Tố Quyên cũng như nhiều GV khác phải thực hành dạy ở lớp mới, trường mới nên áp lực không nhỏ. Để chuẩn bị cho phần thi thực hành đạt thành tích tốt, cô Tố Quyên đang nỗ lực bồi dưỡng kiến thức, tiếp cận các nguồn tài liệu mới, chính thống nhằm thu hút học sinh và thuyết phục ban giám khảo trong 45 phút dạy thực hành.

Tương tự, cô Đỗ Thị Hải Linh, giáo viên Hóa học Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) cũng đang trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng để hoàn thiện bài giảng. Cô Hải Linh tâm sự: “Mục đích lớn nhất của mình khi tham gia hội thi là trau dồi kinh nghiệm về giảng dạy cũng như tổ chức lớp học; qua đó, đóng góp những phương pháp dạy học tích cực và phù hợp với học sinh...”.

Th.S Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu chia sẻ, năm nay, ngành GD-ĐT quận Hải Châu có 23 GV tham gia hội thi. “Đây là dịp để GV nâng cao tay nghề, thể hiện sự hiểu biết về các quy định trong lĩnh vực giáo dục, về kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy và xử lý tình huống trong giáo dục.

Hội thi cũng góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng dạy học tại các trường học; là cơ sở để tôn vinh GV và xét các danh hiệu, khen thưởng, nâng lương, nâng hạng. Đặc biệt, thông qua hội thi, ngành GD-ĐT quận Hải Châu xây dựng đội ngũ cốt cán cũng như tuyển chọn đội ngũ quản lý”, Th.S Trần Thị Thúy Hà nhận định.

Th.S Phạm Thị Trinh khẳng định, qua hội thi, ngành GD-ĐT sẽ phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường và toàn ngành.

“Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ GV, từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, hội thi được tổ chức bảo đảm tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích, động viên GV học hỏi, trao đổi, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục”, Th.S Phạm Thị Trinh chia sẻ.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.