Đổi mới phương pháp dạy học

.

Sở GD-ĐT thành phố khẳng định, trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thì đổi mới phương pháp dạy học được xem là khâu vô cùng quan trọng hiện nay ở tất cả cơ sở giáo dục.

Một tiết học “Đồng hồ thời gian” của cô Hoàng Anh khiến học sinh lớp 1 sôi nổi phát biểu bài.
Một tiết học “Đồng hồ thời gian” của cô Hoàng Anh khiến học sinh lớp 1 sôi nổi phát biểu bài.

Thực hiện yêu cầu cấp bách của ngành GD-ĐT của cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, các  giáo viên, tập thể hội đồng sư phạm các trường học trên địa bàn thành phố đang chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học. Đầu tháng 4-2019, cô giáo Đặng Thị Hoàng Anh (giáo viên lớp 1  Trường tiểu học Âu Cơ, quận Liên Chiểu) tổ chức dạy tiết học “Đồng hồ thời gian”.

Nếu theo cách dạy truyền thống, giáo viên chỉ đọc và yêu cầu học trò đọc theo để nhớ. Là giáo viên trẻ, cô Hoàng Anh luôn sáng tạo trong cách dạy của mình. Khi lên lớp, cô yêu cầu học trò tự trao đổi, chia sẻ với nhau, cô trở thành người hướng dẫn và chốt lại vấn đề. Với cách dạy như vậy, cả lớp rất say sưa và xung phong để phát biểu. “Một tiết học mà cả lớp đều phát biểu sôi nổi, người giáo viên cảm thấy rất hạnh phúc vô cùng”, cô Hoàng Anh chia sẻ.

Cô Ngô Hồng Vân (Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) là một giáo viên dạy môn tiếng Anh có thâm niên. Trong quá trình dạy và học, cô luôn chú trọng đến các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” để tạo sự hứng thú và thu hút được học sinh. Cô thường xuyên thưởng khuyến khích, cộng điểm cho học sinh mạnh dạn phát biểu.

Trước khi kết thúc bài, cô nhắn nhủ học sinh xem sách báo, phim ảnh, nghe các chương trình ca nhạc, giải trí nước ngoài để nắm thêm từ vựng. Đối với những học sinh yếu, giáo viên thường phối hợp với cha mẹ để động viên. Không những vậy, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục ngoại khóa của bộ môn tiếng Anh, nhà trường tăng cường phối hợp với các trung tâm Anh ngữ tin cậy trên địa bàn để tổ chức giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa, cuộc thi tiếng Anh, giúp học sinh của trường được giao tiếp nhiều hơn với người bản ngữ. Qua đó, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và phương pháp học tiếng Anh trong nhà trường ngày càng nâng cao.

Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết, để đáp ứng chất lượng giáo dục, lực lượng giáo viên luôn được bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên quán triệt tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiến hành đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, hạn chế ghi nhớ máy móc, tăng cường các câu hỏi có liên hệ thực tế. Đặc biệt, nhà trường tăng cường các biện pháp dạy học, trong đó phát huy phẩm chất, năng lực của học sinh; đẩy mạnh đổi mới sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp.

Còn cô Bùi Thị Mỹ Nữ (giáo viên Địa lý, Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh, huyện Hòa Vang) luôn trăn trở làm sao để môn Địa lý từ “môn phụ” trở thành môn học yêu thích của học sinh. Bằng tình yêu nghề, sự nhiệt huyết, tùy theo từng lớp, cô đưa ra các phương pháp dạy khác nhau. Đối với lớp 6 và 7, cô chủ yếu liên hệ thực tế như các hiện tượng nắng mưa, gió bão...

Với lớp 8 và 9, cô chú trọng các kỹ năng, nhận xét về hình vẽ, biểu đồ. Theo cô Mỹ Nữ, địa lý thiên về đời sống xã hội, về các hiện tượng thiên nhiên nên trong giảng dạy, cần phải cho các em khám phá thiên nhiên qua hình ảnh sinh động. Đặc biệt, cô luôn để học sinh thi đua, khuyến khích điểm khi các em phát biểu. Nhờ đó, học sinh ngày càng thích thú học tập. Cho đến bây giờ, môn học Địa lý của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh đã được học sinh đón nhận với lòng đam mê sâu sắc. Theo đánh giá của Ban giám hiệu nhà trường, nếu trước đây, các em học sinh xem môn Địa lý là một môn phụ thì giờ đã hứng khởi học tập...

Th.S Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, ngành giáo dục Hòa Vang đã tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học; trong đó, chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học và đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

Đặc biệt, phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo giáo viên thiết kế, tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập với các hình thức đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn, phù hợp với đặc trưng bài học, với đặc điểm và trình độ học sinh, với điều kiện cụ thể của lớp, của trường; chú ý đến năng lực của học sinh, giúp các em phát triển tối đa năng lực của bản thân. Giáo viên xây dựng các dạng câu hỏi, bài tập phát triển tư duy và rèn luyện kỹ năng, tạo điều kiện cho tất cả học sinh được tương tác với giáo viên trong mỗi giờ học; thực hiện dạy học gắn kết giữa lí thuyết và thực hành, kết hợp các hoạt động trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống của học sinh... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao rõ rệt.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
;
.
.
.
.
.