Nhiều năm qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) luôn khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên, trong đó chú trọng các đề tài mang tính thực tiễn cao, phục vụ đời sống, cộng đồng.
Mô hình máy phân loại, kiểm tra và sắp xếp sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng. |
Tại Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên ĐHĐN được tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội, chuyên gia... khá bất ngờ về khả năng ứng dụng vào thực tiễn của các giải pháp, sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học và sáng tạo của sinh viên đến từ các trường, đơn vị thành viên ĐHĐN như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Kinh tế, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông...
Trong đó, đáng chú ý là hệ thống tạo mẫu in 3D liên tục từ nhựa nguyên sinh, mô hình thủy bộ thu gom rác thác bãi biển, mặt nước, mô hình máy phân loại, kiểm tra và sắp xếp sản phẩm, On - Street Smart Parking (Đỗ xe thông minh trên đường), ứng dụng LoRa trong cảnh báo ùn tắc và phân luồng giao thông giờ cao điểm, hệ thống xe đạp du lịch cho thành phố thông minh, hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh dựa trên nền tảng IoT, xây dựng bản đồ gió tự động cho thành phố Đà Nẵng dựa vào hệ số địa hình thực tế...
Mỗi mô hình đều xuất phát từ suy nghĩ mang kiến thức được học ứng dụng vào thực tế, góp phần xây dựng, phát triển Đà Nẵng của thế hệ trẻ. Chẳng hạn, mô hình thủy bộ thu gom rác thác bãi biển, mặt nước của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHĐN) ra đời từ ý tưởng rất thực tế của Võ Anh Khoa (1996, quê Quảng Nam), SV năm thứ 5 khoa Cơ khí giao thông Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng). Thời gian học tại khoa Cơ khí Giao thông, chuyên ngành kỹ thuật tàu thủy, trong những lần đi thực tế dọc các bãi biển, sông, hồ ở Đà Nẵng, Khoa thường thấy rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường nước, nhất là sau mỗi trận mưa lớn.
Bên cạnh đó, Khoa hay tham gia các hoạt động tình nguyện nên rất hiểu cảm giác nhặt rác hàng giờ ngoài trời nắng nóng vất vả như thế nào cũng như khi vớt rác ở trên sông, hồ nguy hiểm ra sao. Từ đó, Khoa ấp ủ ý tưởng thiết kế chiếc máy thu gom rác thải trên bãi biển, trên mặt nước để giúp lực lượng lao động lĩnh vực vệ sinh môi trường tiết kiệm sức lực, làm việc hiệu quả, an toàn hơn, góp phần gìn giữ và cải thiện không gian, môi trường sống xanh, sạch đẹp cho thành phố.
Hay mô hình hệ thống xe đạp du lịch cho thành phố thông minh của nhóm sinh viên Khoa Điện (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHĐN). Xuất phát từ nhu cầu phục vụ việc đi lại của khách du lịch, hai sinh viên Nguyễn Linh Nam và Phạm Tấn Hải cho ra đời sản phẩm này. Theo đó, thông qua hệ thống thiết bị cài đặt, có thể giám sát được việc mượn xe của du khách, định vị được vị trí của xe, thông báo cho khách biết hết thời gian mượn xe để quay về, sử dụng công nghệ RFID để làm hệ thống khóa xe...
Theo PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐHĐN, cùng với xu thế hội nhập quốc tế, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vừa là nhiệm vụ, vừa là yêu cầu không thể thiếu đối với sinh viên. Các trường thành viên ĐHĐN định hướng cho sinh viên vận dụng phương pháp, kiến thức được học để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra một cách rất khoa học, chú trọng tính ứng dụng cao của đề tài...
Hằng năm, sinh viên ĐHĐN tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, như: sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng, Khoa học công nghệ Toàn quốc... và đoạt giải thưởng cao. ĐHĐN cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi khoa học cho sinh viên. Mới nhất là tháng 3 vừa qua, ĐHĐN phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức Festival Khoa học Công nghệ trong sinh viên ĐHĐN và IoT Day nhằm tạo nên sân chơi cho các sinh viên đam mê sáng tạo khoa học, tìm hiểu những công nghệ mới và tại đây họ có cơ hội được gặp gỡ những doanh nghiệp, tổ chức để những nghiên cứu khoa học được đi vào thực tiễn.
“Thành công của hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong sinh viên thời gian qua mang nhiều ý nghĩa góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của ĐHĐN, gắn kết nhà trường và doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo trẻ của sinh viên, tạo môi trường thuận lợi để sinh viên phát triển tư duy, kỹ năng nghề nghiệp, hun đúc, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; góp phần thực hiện chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố “thông minh”, thành phố khởi nghiệp sáng tạo...”, PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng chia sẻ.
Bài và ảnh: HÀ THU