Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 2019: Điểm trúng tuyển tăng cao, chất lượng đầu vào bảo đảm

.

Đến hết ngày 9-8, cùng với các trường đại học trên cả nước, Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã hoàn thành công bố điểm trúng tuyển năm 2019 vào các trường ĐH thành viên và các khoa, viện, phân hiệu trực thuộc.

Theo đó, điểm trúng tuyển năm nay vào ĐH Đà Nẵng cao hơn năm trước từ 1,5 - 5 điểm tùy theo ngành đào tạo. Có thể nhận thấy, ĐH Đà Nẵng có chất lượng “đầu vào” thuộc top trên trong các ĐH vùng và các trường ĐH lớn, trọng điểm trong cả nước.

Các ngành công nghệ thông tin thu hút sự quan tâm lựa chọn của thí sinh. Trong ảnh: Tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa, Đại học  Đà Nẵng. (Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp)
Các ngành công nghệ thông tin thu hút sự quan tâm lựa chọn của thí sinh. Trong ảnh: Tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp)

Về điểm trúng tuyển vào các ngành thuộc các trường, đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng đều có sự tăng cao (từ 1,5 điểm đến 5 điểm), Ban Đào tạo của ĐH Đà Nẵng cho biết, Trường ĐH Bách khoa có 29 ngành; trong đó các ngành có điểm trúng tuyển đều tăng cao so với năm 2018 như: Công nghệ thông tin (Chất lượng cao-ngoại ngữ tiếng Nhật) với 23,5 điểm (tăng 2,9 điểm);  Công nghệ thông tin (Đặc thù-Hợp tác doanh nghiệp) với 23 điểm (tăng 3 điểm); Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (chất lượng cao) với 21,25 điểm (tăng 3,5 điểm); Công nghệ chế tạo máy với 20,50 điểm (tăng 1,5 điểm)…

Trường ĐH Kinh tế có 17 ngành; trong đó các ngành có điểm trúng tuyển tăng cao so với năm 2018 như: Kinh doanh Quốc tế với 24 điểm (tăng 2,75 điểm); Quản trị Khách sạn với 23 điểm (tăng 2,75 điểm); Marketting với 22,75 điểm (tăng 3 điểm). Trường ĐH Ngoại ngữ cũng có 17 ngành, trong đó, ngành Sư phạm tiếng Anh có điểm trúng tuyển cao nhất với 23,63 điểm (tăng 1,68 điểm); Ngôn ngữ Hàn Quốc với 23,58 điểm (tăng 1,87 điểm). Khoa Y Dược-ĐH Đà Nẵng có 4 ngành đều có điểm trúng tuyển từ 22,55 điểm trở lên, trong đó ngành Y Khoa có điểm trúng tuyển cao nhất với 23,8 điểm (tăng 1,65 điểm); Răng hàm mặt với 23,75 điểm (tăng 1,7 điểm)…

Khối các ngành sư phạm của ĐH Đà Nẵng có điểm trúng tuyển từ 15-23,55 điểm, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là Sư phạm Âm nhạc với 23,55 điểm (tăng 3 điểm so với năm ngoái, cao hơn ngành Sư phạm Âm nhạc của ĐH Huế với 20,00 điểm ); ngành Báo chí (chất lượng cao) với 20,15 điểm (thuộc top cao nhất cả nước, xấp xỉ với ngành Báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội là 20,75 điểm; tăng  5 điểm so với năm ngoái và cao hơn nhiều so với ngành Báo chí của ĐH Huế với 13,50 điểm. Các ngành Sư phạm thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên khá đồng đều và đều ở mức trên 18 điểm (Sư phạm Tin học 19,4 điểm, Sư phạm Toán học 19 điểm, Sư phạm Hóa học 18,05 điểm, Sư phạm Sinh học 18,3 điểm, ngành mới mở là Sư phạm Tin học và Công nghệ Tiểu học với 18,15 điểm…)

Về xu hướng ngành nghề, có thể thấy, các ngành khối kinh tế (Trường ĐH Kinh tế-ĐH Đà Nẵng) tiếp tục thu hút thí sinh lựa chọn với điểm trúng tuyển từ 19,5 điểm đến 24 điểm. Các ngành mũi nhọn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho Đà Nẵng: Kinh doanh quốc tế với 24 điểm; Quản trị khách sạn với 23 điểm; Quản trị Du lịch, dịch vụ và lữ hành là 22,25 điểm…

Khối các ngành công nghệ thông tin của ĐH Đà Nẵng tiếp tục thu hút sự lựa chọn của thí sinh với mức điểm trúng tuyển khá cao như: Trường ĐH Bách khoa có ngành Công nghệ thông tin (chất lượng cao, ngoại ngữ tiếng Nhật) là 23,5 điểm, Công nghệ thông tin (đặc thù, hợp tác doanh nghiệp) 23 điểm; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có ngành Công nghệ thông tin với 20,55 điểm; Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông có ngành Công nghệ thông tin với 19,75 điểm… và có thể thấy đều ở mức khá cao, tăng so với năm trước.

Khối các ngành công nghệ cao, có doanh nghiệp lớn đầu tư, thậm chí đến tận Trường ĐH Bách khoa “đặt hàng” đầu năm 2019 như: Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với 21,25 điểm; Công nghiệp chế tạo máy với 20,5 điểm (Trường ĐH Bách khoa), Công nghệ Kỹ thuật ô-tô (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật) với 20,4 điểm…

Sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thực tập tại doanh nghiệp. (Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp)
Sinh viên ngành Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng thực tập tại doanh nghiệp. (Ảnh: Đại học Đà Nẵng cung cấp)

Khối các ngành về ngoại ngữ phục vụ nhu cầu du lịch, hội nhập và kinh doanh, đầu tư quốc tế (Trường ĐH Ngoại ngữ) đều đạt cao từ 22,33-23,58 điểm như: Ngôn ngữ Hàn Quốc  với 23,58 điểm; Ngôn ngữ Trung Quốc là 23,34 điểm; Ngôn ngữ Nhật là 22,86 điểm… Điều này cho thấy xu hướng lựa chọn của thí sinh, cũng như sự sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhân lực của ĐH Đà Nẵng đối với các ngành đang “khát” nhân lực chất lượng cao của thành phố Đà Nẵng, trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2019, với nỗ lực nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế, tích cực đổi mới, các trường thành viên (đi đầu là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế…) của ĐH Đà Nẵng đã và đang áp dụng các phương pháp dạy-học tiên tiến, “lấy người học làm trung tâm”; trong đó, chú trọng tăng thời lượng thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp và kỹ năng ngoại ngữ, tin học.. .cho sinh viên, ĐH Đà Nẵng cũng đã không ngừng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài nguyên học liệu… phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học cho các trường, khoa, viện, phân hiệu trực thuộc…

Theo Ban Bảo đảm chất lượng ĐH Đà Nẵng, năm 2018, ĐH Đà Nẵng xếp thứ ba trong cả nước về số lượng chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA của khu vực Đông Nam Á, CTI của châu Âu) với 16 chương trình đào tạo. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định: “ĐH Đà Nẵng luôn coi chất lượng là yếu tố sống còn, là mục tiêu, động lực để nâng cao uy tín, chất lượng về mọi mặt theo chuẩn quốc tế; thể hiện cao nhất “trách nhiệm xã hội”, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước”.

Chung Anh - Nguyễn Sơn

;
;
.
.
.
.
.