Chuẩn bị năm học mới cho trẻ em nghèo

.

Còn khoảng một tháng nữa, năm học mới bắt đầu, tuy nhiên với những người phụ trách các cơ sở nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của thành phố, công tác chuẩn bị đã tất bật với mong muốn các em có một năm học mới đầy đủ sách, vở, áo quần như bao đứa trẻ bình thường khác.

Đang kỳ nghỉ hè, song hơn nửa tháng nay hầu hết cán bộ, nhân viên của Làng Hy Vọng đã quay trở lại làm việc. Mỗi người một việc, từ thư viện, quản lý cơ sở vật chất, bộ phận kế toán cho đến lãnh đạo làng đều tất bật với công việc của mình.

Ông Phan Thanh Vinh, Giám đốc Làng Hy Vọng cho biết, năm nay số trẻ trong làng đã tăng thêm 13 em, nâng tổng số trẻ trong làng lên 138 em, điều này cũng có nghĩa mọi thứ phải tăng thêm hơn năm trước. Mừng một điều là đến nay sách, vở, cặp sách đã gần đủ, riêng áo quần, làng cũng đã mua vải chờ ngày 15-8 này các em quay trở lại làng, thợ sẽ đo và may luôn để kịp đến ngày 28-8, Làng Hy Vọng tổ chức khai giảng thử. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thứ cần phải tiếp tục “vận động” như xin 138 đôi giày, sandal; 138 chiếc mũ... để lo cho các em đầy đủ trong ngày khai giảng sắp tới. “Hy vọng gần một tháng nữa, chúng tôi sẽ lo đầy đủ cho tất cả các em”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, các gia đình thuộc Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố cũng đang trong quá trình chạy nước rút để chuẩn bị cho những trẻ em đang sinh hoạt ở đây một năm học mới tươm tất. Chị Lê Thị Loan, bảo mẫu Gia đình số 2 cho biết: “Sách, vở, cặp đã có sẵn từ hồi 1-6 do các tổ chức, cá nhân tặng cho các em, riêng áo quần lo nhất và cũng “nặng” nhất thì cũng đã có người giúp. Hiện chúng tôi đã mời thợ đến đo cho 20 em của gia đình, ngày 28-8 này khi giao quần áo, nhà hảo tâm sẽ đến giao tiền trực tiếp cho nhà may”.

Ở một đơn vị khác, chị Võ Thị Thu, người phụ trách Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em khuyết tật thành phố (cơ sở 1) khá tự tin cho biết: “Tại Trung tâm hiện nay có gần 40 em đang theo học nghề và học văn hóa. Mặc dù ở đây học văn hóa chủ yếu giúp các em biết đọc, viết, tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ cố gắng tổ chức cho các em có được ngày khai giảng vui và đầy đủ. Đến nay thì quần áo đồng phục, sách vở đã đầy đủ, chúng tôi chỉ lo tổ chức buổi văn nghệ thật vui, và bữa trưa “tươi” hơn ngày thường, coi như chào mừng sự kiện năm học mới”. Bà Thu cũng cho biết thêm, từ nay đến cuối tháng sẽ có thêm nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm Trung tâm, tùy tình hình Trung tâm sẽ tập trung chuẩn bị tốt nhất cho các em vào năm học mới.

Không đứng ngoài cuộc, ngay từ đầu tháng 8, nhiều đội, nhóm, câu lạc bộ từ thiện cũng đã khởi động cho mùa tựu trường cho trẻ em khó khăn đang sinh sống tại các trung tâm, cơ sở xã hội hay ở cộng đồng. Theo Nguyễn Thiện Tâm, thành viên nhóm thiện nguyện liên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) và Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, từ cuối năm học vừa qua, nhóm đã bắt đầu đi xin những bộ sách giáo khoa và quần áo đồng phục để tặng trẻ em khó khăn. Đến nay đã có hơn 200 bộ sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 12 đang được các thành viên đem về nhà bọc lại cẩn thận; ngoài ra, các thành viên cũng đang giặt lại các bộ đồ cũ, dự kiến giữa tháng 8 sẽ tổ chức những đợt hoạt động từ thiện để trao tận tay các trẻ em khó khăn số quà trên.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhuận, phụ trách nhóm từ thiện Nhân Ái, cho biết đến nay, nhóm đã vận động gần 100 triệu đồng và đang liên hệ với một số cơ sở xã hội và một số địa phương để tặng quà cho trẻ em khó khăn. Ngoài ra, nhóm cũng đang tiếp tục vận động thêm để cuối tháng 8 này tổ chức đi tặng quà mùa tựu trường cho một số địa phương ở Quảng Nam.

Chia sẻ với trẻ khó khăn bằng những món quà hết sức ý nghĩa, các cơ sở xã hội, tổ chức, cá nhân đang chạy đua với thời gian. Điều này không những giúp cho trẻ khó khăn trọn vẹn ngày vui khai giảng mà còn nhân lên một phong trào thật ý nghĩa “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.