Từ nhiều năm nay, ngành Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn đưa nội dung giáo dục truyền thống và văn hóa dân gian vào các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho học sinh.
Tuổi trẻ quận Ngũ Hành Sơn luôn duy trì hoạt động ý nghĩa thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. |
Với ý nghĩa đó, thời gian qua, các trường học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh hướng về các giá trị đạo đức như các cuộc thi: “Chúng em hát Quốc ca và những bài hát cách mạng”, “Em yêu lịch sử quê em”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Áo lụa tặng bà”… Thầy Chung Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Hòa Quý) cho biết, trong các tiết học, giáo viên đưa việc giáo dục những quy tắc, thói quen tốt đẹp, những giá trị chuẩn mực vào nội dung bài dạy để qua đó dần hình thành ý thức, tình cảm, niềm tin, cho học sinh. Nhà trường cũng tích cực tham gia các cuộc thi “Chúng em hát Quốc ca và những bài hát cách mạng”, “Em yêu lịch sử quê em”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Áo lụa tặng bà”… để nâng cao ý thức, tình cảm yêu nước dành cho đất nước, cho quê hương.
Với các cấp bộ Đoàn trên địa bàn quận, các bài học truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được giáo dục thực tế bằng cách tổ chức hoạt động phong trào tại các di tích lịch sử và nghĩa trang liệt sĩ địa phương. Anh Nguyễn Đình Bình, Bí thư Đoàn phường Hòa Quý cho biết: Từ nhiều năm nay, Đoàn phường tổ chức kết nạp đoàn viên tại các địa điểm, các khu di tích lịch sử cách mạng với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lễ kết nạp đoàn viên thường được gắn với công tác tuyên truyền về cuộc đời, tấm gương hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của thế hệ đi trước như các anh: Lý Tự Trọng, Trần Văn Ơn, Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu…; qua đó bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tạo dấu ấn sâu sắc cho đội viên tiến bước lên Đoàn. Em Nguyễn Huỳnh Diệu Hà, học sinh lớp 9/4, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Em thấy rất tự hào khi được tổ chức kết nạp Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh tại nghĩa trang liệt sĩ trong chuyến hành quân về nguồn. Sự kiện này đã giúp em và tất cả các bạn có được những trải nghiệm ý nghĩa, biết thêm các địa danh lịch sử, trân trọng quá khứ hào hùng của cha ông, qua đó thấy trách nhiệm của mình phải phấn đấu nhiều hơn”.
Từ mùa hè năm học 2018-2019, quận Ngũ Hành Sơn triển khai các lớp học hô hát bài chòi cho học sinh THCS trên địa bàn quận nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đặc sắc của vùng Nam Trung Bộ trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Theo ông Trần Văn Hồng, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn, lớp học hô hát bài chòi miễn phí được tổ chức tại 4 trường THCS trên địa bàn với sự tham gia của hơn 150 học sinh có đam mê với nghệ thuật bài chòi.
Trong thời gian gần 2 tháng, các em học sinh được các nghệ nhân và nghệ sĩ thuộc CLB Nghệ sĩ sân khấu thành phố truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc bài chòi; cách thể hiện 5 làn điệu lý: Xàng xê, Xuân nữ-Nam xuân, Hò quảng; các điệu lý, hò, vè, lía… Em Hà Bùi Tiểu Nguyệt, lớp 8/1, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (phường Hòa Hải) phấn khởi cho biết, em rất yêu thích bài chòi nên khi nhà trường thông báo có lớp học bài chòi miễn phí vào dịp hè, em liền xin ba mẹ tham gia lớp học. Với em Lê Thùy Trang, lớp 6/1, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, việc tham gia lớp học bài chòi hè này là cơ hội được học hỏi, hiểu sâu sắc thêm loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa cho rằng, trường học là kênh bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản có tiềm năng, mức độ lan tỏa lớn. Chính vì vậy, Đề án đưa bài chòi vào trường học cần phải duy trì lâu dài, đạt hiệu quả cao nhất. Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, những mô hình giáo dục truyền thống địa phương, những lớp học hô hát bài chòi trong trường học nên được duy trì và nhân rộng, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài và ảnh: Nguyễn Như Ý