ĐNO – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm học 2018-2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 6-8.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đà Nẵng. |
Theo Thủ tướng Chính phủ, trong năm vừa qua với quyết tâm của Bộ GD-ĐT, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của ngành; trong đó nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất trường học, nhất là hệ mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ diễn ra ở nhiều địa phương.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa được chú trọng đúng mức, giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành còn hạn chế, dẫn đến một số bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức lối sống, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng thuần phong, mỹ tục. Đặc biệt, một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội, như thông đồng nâng điểm, ngược đãi học sinh…
Về nhiệm vụ trong thời gian đến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống mầm non, phổ thông phù hợp, tạo điều kiện cho con em và người dân an tâm; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường lớp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phải liên kết, tiến tới các địa phương phải đặt hàng đào tạo cho các trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ GD-ĐT thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường “hữu danh vô thực”; củng cố, chấn chỉnh lại việc đào tạo đại học, trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục kém chất lượng.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ như hiện nay; có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên bảo đảm tiêu chuẩn, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới. Đặc biệt, trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục cần tạo ra sự chuyển biến trong vấn đề đạo đức lối sống cho học sinh, yêu cầu các cơ sở giáo dục bảo đảm số giờ dạy học các môn học thuộc lĩnh vực đạo đức, kỹ năng; giáo dục cho học sinh từ các tiết học trải nghiệm. Gia đình, nhà trường, các đoàn thể đẩy mạnh phối hợp để giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh…
Tin và ảnh: NGỌC PHÚ