Ngày 25-9, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có tờ trình Chính phủ Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020.
Theo Bộ GD-ĐT, có 3 nguyên tắc xây dựng phương án thi sau năm 2020: Thứ nhất, bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới thi/tuyển sinh; không gây xáo trộn đối với việc dạy, học của giáo viên và học sinh. Thứ hai, kế thừa kết quả đã đạt được trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giai đoạn 2015-2020, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng.
Thứ ba, ứng dụng hiệu quả các thành tựu của khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; áp dụng lý thuyết khảo thí hiện đại và ứng dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin trong tổ chức thi, tham khảo các mô hình tổ chức thi của các tổ chức khảo thí quốc tế hàng đầu (ACT, ETS,...), từng bước tiếp cận xu hướng thi/tuyển sinh của các nước tiên tiến trên thế giới.
Mục đích và yêu cầu của phương án là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy; đánh giá được kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của người học để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT; tác động tích cực trở lại đối với quá trình đổi mới phương pháp dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường; bảo đảm có độ phân hóa phù hợp nhằm có thể phát hiện nhân tài để cung cấp dữ liệu tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có thể tham khảo trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Phương thức tổ chức thi vẫn duy trì thi trên giấy như hiện nay và đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình bảo đảm tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Lộ trình thiển khai đối với giai đoạn 2021-2025: Cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; thực hiện một số điều chỉnh phù hợp với thực tế phương thức tổ chức thi và đặc biệt là phương thức tổ chức thi trên máy tính. Cụ thể, các bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được giữ ổn định như năm 2019; cấu trúc lại các câu hỏi trong các bài thi tổ hợp tự chọn (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) theo chuẩn đầu ra của chương trình, chủ yếu là đánh giá kiến thức, kỹ năng và hướng tiếp cận đánh giá năng lực; giảm số lượng câu hỏi trong từng bài thi...
Giai đoạn tiếp theo, tiếp tục ổn định kỳ thi cho các học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới có nhu cầu dự thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Những điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là hoàn thiện phương thức thi trên máy tính sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước 1 năm các nội dung cụ thể về phương thức tổ chức, nội dung thi, hình thức thi,… để phụ huynh và học sinh chủ động trong dạy học, ôn tập.
NGỌC PHÚ (tổng hợp)