Tận tâm với học trò miền núi

.

33 năm gắn bó với nghề giáo, 10 năm làm hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), thầy Nguyễn Thọ luôn hết mực vì những học trò nghèo miền núi.

Thầy Thọ luôn tận tâm với công việc.
Thầy Thọ luôn tận tâm với công việc.

Năm 1987, cậu sinh viên Nguyễn Thọ tốt nghiệp ra trường và dạy tại một trường tiểu học ở xã Hòa Liên. Gần gũi, thân thiện, nhiệt huyết, người giáo viên trẻ ấy luôn được học sinh yêu mến. Nhiều năm sau, thầy Nguyễn Thọ được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý, làm phó hiệu trưởng nhà trường. Năm 2009, thầy Nguyễn Thọ được điều động lên Trường tiểu học Hòa Bắc (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) làm hiệu trưởng. Ở ngôi trường miền núi, địa bàn rộng, đường sá khó đi, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nếu không yêu nghề có lẽ ít ai có thể bám trụ được, song, với tấm lòng yêu con chữ, yêu học trò, đặc biệt là những học trò nghèo, thầy Thọ đã không quản ngại để làm tốt nhiệm vụ “trồng người”.

Để giáo viên gắn bó với ngôi trường, dạy dỗ các em học sinh miền núi, nhất là các em học sinh đồng bào, thầy Nguyễn Thọ đã làm tốt công tác tư tưởng cho giáo viên, tạo mối đoàn kết tập thể để cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Nói như một số giáo viên nhà trường, cái được lớn nhất của ngôi trường này là sự đồng thuận, chung sức của tập thể sư phạm. Thầy Nguyễn Thọ đã không ngại khó, ngại khổ để xây dựng một ngôi trường mà ở đó giáo viên đến trường luôn cảm nhận được tình cảm nồng ấm, như anh em một nhà để hướng đến một mục tiêu duy nhất, đó là dạy dỗ học sinh - đối tượng luôn là ưu tiên số 1 trong tâm tưởng thầy Thọ - thành người.

Thầy Thọ chia sẻ, trước đây, khi học sinh chưa có phần cơm bán trú, các em phải đem cơm từ nhà để ăn trưa tại trường, nhìn vào phần cơm của các em, giáo viên không khỏi xót xa. Ở vùng miền núi khó khăn, các em ăn chỉ có cơm trắng và vài lát đậu khuôn. Sau này, khi thành phố quan tâm hỗ trợ chế độ chính sách ăn bán trú cho học sinh theo từng đối tượng, bữa cơm của các em học sinh được bảo đảm, người làm giáo dục như thầy cảm thấy rất vui và hạnh phúc. “Mỗi bữa trưa, nhìn các em ăn ngon miệng; nhiều em ăn không còn một hạt cơm, chúng tôi vui lắm. Chất lượng bữa ăn được cải thiện sẽ cải thiện được thể chất các em, giúp các em học sinh học tốt hơn”, thầy Thọ chia sẻ.

Với phương châm thương yêu học trò như chính những đứa con của mình, thầy Nguyễn Thọ luôn sát sao quan tâm học sinh không chỉ trên lớp học. Lúc học trò ốm đau, thầy Thọ cùng giáo viên lặn lội đến nơi để hỏi han động viên. Trong năm học 2019-2020, có một em trong độ tuổi đến trường nhưng không có giấy tờ pháp lý, bố lại không cho đi học. Biết thông tin, thầy Thọ đã đến nhà khuyên bảo để em được đến trường. “Hoàn cảnh gia đình cháu khá phức tạp, gia đình muốn cháu ở nhà nên chúng tôi đã động viên rất nhiều.

Rất vui, sau khai giảng, cháu này đã đến trường với các bạn”, thầy Thọ chia sẻ. Là người quản lý, thầy luôn trăn trở phải làm sao để cho những cô cậu học trò của mình được học dưới một mái trường khang trang. Trong khi, hiện nay, Trường tiểu học Hòa Bắc đã xuống cấp, mưa lớn nước sẽ tràn vào; cơ sở vật chất, các phòng chức năng vẫn còn thiếu; trang thiết bị phục vụ dạy học còn gặp khó khăn.

Các điểm trường lẻ thuộc Trường tiểu học Hòa Bắc nằm xa nhau, rất khó khăn trong việc đi lại để dạy học cũng như phục vụ công tác bán trú cho học sinh. Chính vì thế, mong mỏi lớn nhất của thầy Thọ là ngôi trường sẽ sớm được xây dựng để công tác dạy và học được tốt hơn và để thầy trò không phải nơm nớp lo sợ mỗi mùa mưa bão đến.

Bài và ảnh: HOÀNG SA

;
;
.
.
.
.
.