Hết lòng vì trẻ em Cơ tu

.

Gắn bó với trẻ em dân tộc Cơ tu không chỉ bằng tình thương và trách nhiệm, cô Trần Thị Bích Thu (giáo viên Trường mầm non Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) còn triển khai nhiều ý tưởng giúp các em sử dụng tiếng Việt thành thạo hơn và hiểu biết thêm về văn hóa dân tộc mình.

Cô Thu cùng với các trò thôn Tà Lang, Giàn Bí thân thương.
Cô Thu cùng với các trò thôn Tà Lang, Giàn Bí thân thương.

Cô Trần Thị Bích Thu (32 tuổi) sinh ra trong một gia đình đồng bào Cơ tu nghèo tại thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang). Gần 25 năm trước, Thu đã học tập với mơ ước sau này trở thành một giáo viên dạy cho các em trong thôn. Tuy nhiên, gia đình quá khó khăn nên học hết THPT, cô gái Cơ tu ấy đã gác lại ước mơ để lo cho cuộc sống. Những tưởng cuộc đời cô thôn nữ sẽ gắn với núi rừng, với những gùi bắp, gùi măng và sống lặng lẽ vì chồng, con nhưng ý chí mạnh mẽ, bản tính kiên cường đã tiếp cho Thu động lực đi đến cùng ước mơ của mình.

Thu tiếp tục xuống thành phố vừa học Trung cấp Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) vừa làm thêm nhiều việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Sau 2 năm nỗ lực, Thu có tấm bằng Trung cấp mầm non, sau đó dự tuyển và được ngành GD-ĐT huyện Hòa Vang phân công về dạy tại Trường mầm non xã Hòa Bắc và tập sự tại điểm trường thôn Nam Yên. Sau một năm kết thúc tập sự, với nguyện vọng thiết tha được chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ của đồng bào dân tộc Cơ tu, cô giáo trẻ Trần Thị Bích Thu được điều động về “cắm bản” tại thôn Tà Lang.

Đối với trẻ em đồng bào Cơ tu, việc học tiếng Việt là cả một vấn đề. Vì vậy, cô giáo Bích Thu nhiều lần trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để trẻ em dân tộc Cơ tu thành thạo tiếng Việt, mạnh dạn sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp cũng như tiếp thu bài nhanh. Để làm được điều đó, cô Thu nhận thấy đầu tiên là phải tạo cho trẻ cảm giác an toàn khi đến lớp; đồng thời xác định mức độ biết tiếng Việt của từng trẻ để chia nhóm và đề ra kế hoạch phù hợp. Bên cạnh đó, cô cung cấp vốn tiếng Việt cho trẻ bằng cách phiên dịch tất cả các chủ đề từ tiếng Cơ tu sang tiếng Việt. Cô còn tạo điều kiện để trẻ tham gia các sự kiện, lễ hội ở trường và tại địa phương nhằm giúp trẻ tự tin phát huy khả năng nói tiếng Việt…

Không chỉ tìm phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho trẻ Cơ tu, cô Thu còn tạo ra được một môi trường học tập đầy màu sắc văn hóa Cơ tu trong lớp học. Cô đã tham mưu, trình bày với nhà trường về ý tưởng làm mô hình nhà gươl thu nhỏ trong trường học. Ý tưởng độc đáo này được nhà trường chấp thuận ngay sau đó, cô họp phụ huynh thông báo kế hoạch của mình và cam kết tất cả dụng cụ của đồng bào Cơ tu phục vụ hoạt động vui chơi, nhảy múa, tranh ảnh, trang phục, nhạc cụ sẽ được đưa vào nhà gươl một cách chân thực nhất. Cô tự thiết kế mô hình, vận động phụ huynh giúp đỡ tre nứa, xây dựng nhà gươl trong vòng một tháng. Từ khi có mô hình này, các em tỏ ra vô cùng thích thú khám phá. Với cô giáo trẻ, đây là điều khiến cô mãn nguyện khi đã làm được một việc có ý nghĩa cho trẻ em đồng bào mình.

Không dừng lại ở đó, ở lễ hội văn hóa Cơ tu diễn ra hằng năm tại địa phương, cô Thu nhận thấy chưa có không gian dành riêng cho học sinh đồng bào dân tộc nên đã đề xuất mở gian hàng, giúp các em được khám phá văn hóa ẩm thực đặc sắc của thôn bản. Được sự chấp thuận của lãnh đạo nhà trường, từ năm học 2017-2018, phiên chợ vùng cao với đầy đủ văn hóa ẩm thực của đồng bào Cơ tu như: cơm lam, bánh sừng trâu, ếch xông khói, cá niên nướng, ốc đá… được cô Thu tái hiện tại lễ hội văn hóa người Cơ tu. Sau khi phiên chợ khai mạc, các bé mầm non vào vai người bán, người mua như một phiên chợ thực giữa đời thường. Nhìn những đứa trẻ say sưa “buôn bán”, ai cũng thán phục ý nghĩ táo bạo và mới mẻ này của cô Trần Thị Bích Thu.

Cô Trần Thị Bích Thu chia sẻ: “Những việc làm của tôi trong thời gian qua chỉ là góp một chút sức mọn để giúp con em đồng bào mình, bởi các em còn thiệt thòi so với học sinh ở huyện Hòa Vang nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung. Để làm được điều đó còn có sự ủng hộ tích cực của các cấp lãnh đạo, Ban Giám hiệu nhà trường và bạn bè đồng nghiệp luôn yêu thương, giúp đỡ”.

Những nỗ lực của Thu trong suốt 9 năm qua đã được các cấp ghi nhận. Đặc biệt, trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm học 2017-2018, cô Trần Thị Bích Thu được đánh giá rất xuất sắc. Tiết dạy của cô được ngành giáo dục thành phố chọn lên chuyên đề cho các trường trong thành phố về tham dự. Đặc biệt, ngành GD-ĐT huyện Hòa Vang vừa có báo cáo gửi Sở GD-ĐT thành phố đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen cho cô giáo Trần Thị Bích Thu vì sự cống hiến cho trẻ em dân tộc Cơ tu.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.